Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã chính thức khép lại chiều 24/11 tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đảo Nam Yết của Việt Nam nhìn từ trên cao. Ảnh:M.Thắng.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên cựu binh Hải quân bày tỏ, hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này ít nhiều đã mở ra một quan hệ mới, song quan trọng nhất là để học giả thế giới chung nhận thức đấu tranh để đòi lại công bằng cho mỗi quốc gia. “Không một quốc gia nào có đường biển, đường biên giới trên biển lấn sang lãnh thổ nước khác”- ông Chức nói.
Giới học giả tham gia hội thảo đã không tán thành cách diễn giải của ông Thẩm Đình Lập- Phó giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (Đại học Phúc Đán, Trung Quốc) xung quanh vấn đề Biển Đông. Ông Thẩm cho rằng, Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) quy định vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ bờ biển chỉ đơn thuần là quy định về quyền kinh tế chứ không liên quan đến chủ quyền.
Các ý kiến phản bác đã cho rằng, ông Thẩm cố tình hiểu sai bởi vùng đặc quyền kinh tế không thể tách rời lãnh thổ của mỗi quốc gia. Một quốc gia có biển, có quyền tài phán, quyền chủ quyền là điều hiển nhiên. Quốc gia này không thể có chủ quyền kinh tế trên lãnh hải, lãnh thổ của quốc gia khác. Cũng như Trung quốc mãi mãi không bao giờ có quyền kinh tế, quyền chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Một vấn đề khác ông Thẩm cho rằng giải quyết vấn đề Biển Đông cần có sự nhượng bộ. Rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, thì điều đó không thể nói đến “nhượng bộ”. Trung quốc phải là quốc gia rút khỏi những đảo đá của Việt Nam mới đúng Luật, đúng đạo lý, đúng tình hữu nghị.
Trong hai ngày hội thảo, gần 50 học giả phát biểu tham luận, thì tất cả đều đồng thuận rằng vấn đề tranh chấp ở biển Đông phải giải quyết đa phương. Theo TS Patrick M. Cronin- Giám đốc Cấp cao Chương trình An ninh châu Âu - Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) cho rằng: “Tất cả các cường quốc đều có nghĩa vụ kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc đảm bảo trật tự tại khu vực và trên thế giới”.
Còn GS Brahma Chellaney- Trung tâm Nghiên cứu chính sách, New Delhi, Ấn Độ nhấn mạnh, những thách thức hàng hải quốc tế đang bị biến đổi bởi những thực tế địa chính trị, sự xuất hiện của những mối đe dọa mới và sự thay đổi trong giao thương tại các thị trường năng lượng. Gốc rễ của những căng thẳng gần đây thường xuất phát từ sự thay đổi đơn phương thực trạng hàng hải và lãnh thổ.
Các học giả, nhà nghiên cứu đều cho rằng, Biển Đông chỉ có thể yên bình khi tất cả các bên hành xử theo các khuôn khổ luật pháp và tập quán quốc tế được đa số các nước công nhận và tán thành.
Hội thảo Quốc tế về Biển Đông là cơ hội đặc biệt cập nhật tình hình và thông tin mới nhất về Biển Đông từ nhiều khía cạnh, nghiên cứu và thảo luận các biện pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và nhằm tăng cường hợp tác.
Với chủ đề “Biển Đông - Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, hội thảo bao gồm 6 nội dung chia làm 6 phiên thảo luận là: Tình hình thế giới và những tác động đến vấn đề Biển Đông, Diễn biến trên Biển Đông, Quan hệ giữa các nước lớn ở Biển Đông, Luật pháp Quốc tế và Biển Đông, Xu thế và Triển vọng, Đàm phán về giải quyết, phân định và hợp tác ở Biển Đông.