Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá 10.000 tỷ đồng được TPHCM khởi công từ năm 2016, đến nay đã gần 10 năm chưa hoàn thành. Đây chỉ là một trong số các “siêu dự án” thành phố đầu tàu cả nước đầu tư để chống ngập, giảm kẹt xe, nhưng vẫn đang ì ạch chưa thể về đích.
Người dân sốt ruột đợi chờ
Sinh sống gần cống ngăn triều Tân Thuận thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TPHCM, bà Đoàn Thị Kim Cúc (phường Tân Thuận Tây, quận 7) rất bức xúc, bởi việc thi công cống ngăn triều kéo dài, hiện nay lại đang tạm ngưng mà người dân cũng không được biết sẽ triển khai trở lại vào lúc nào.
“Việc dự án dang dở khiến khu dân cư ở phường Tân Thuận Tây thường xuyên úng ngập cục bộ và người dân phải bì bõm trở về nhà, nhất là khổ sở vì chịu thêm cả kẹt xe vào giờ tan tầm” - bà Cúc chia sẻ, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng thông tin người dân về tiến độ dự án, tránh để người dân khó khăn, bức xúc kéo dài…
Không riêng người dân trong khu vực ảnh hưởng của Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), ông Dương Văn Khôi (phường Tân Phong, quận 7) phản ánh, dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ khởi công từ tháng 4/2020, dự kiến đến nay phải hoàn thành nhưng vẫn chưa về đích. Dự án có ý nghĩa rất lớn để giải quyết nút thắt hạ tầng giao thông quan trọng của TPHCM cho các khu vực quận 4, quận 7 và hướng kết nối với quận 8 và huyện Bình Chánh. Ông Khôi đề nghị phải có hướng giải pháp để đảm bảo tiến độ dự án, giúp cải thiện tình trạng kẹt xe cho khu vực này.
Trong khi đó, tại TP Thủ Đức, ông Ngô Mạnh Cường (41 tuổi, ngụ phường Thảo Điền) cho biết, cả hai tuyến đường Quốc Hương và Thảo Điền đều nằm ở “điểm đen” ngập úng của khu vực này. Dù được ví là “khu nhà giàu” của TP Thủ Đức nhưng ông Cường cho biết, người dân ở đây phải khổ sở vì ngập nước. Vào các khung giờ cao điểm, người dân di chuyển về nhà bế tắc vì lượng xe cộ di chuyển đông đúc. Theo ông Cường, ngập nước và kẹt xe không chỉ khiến người dân khó khăn trong sinh hoạt, đi lại, mà còn cản trở sự phát triển của thành phố.
Khác với gia đình ông Cường, gia đình bà Trần Thị Hiền (37 tuổi, ngụ phường An Khánh) sống ngay tại khu vực được coi là khu đất cao ráo hơn phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) đã hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, bà Hiền cho biết, trong vài năm gần đây nhiều tuyến đường, như Lương Định Của, Vành Đai Tây, Trần Não đã phát sinh thêm các điểm ngập cục bộ, khiến người dân sinh hoạt và đi lại rất vất vả, bất tiện.
Loay hoay tìm phải pháp
Về vấn đề kẹt xe, nhất là tình trạng giao thông ùn ứ, hỗn loạn ở hàng chục điểm giao cắt hiện nay, ông Hoàng Phúc Dũng - Phó Phòng Khai thác quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TPHCM) cho biết, hiện thành phố là đô thị đông dân nhất nước, với hơn 10 triệu dân và còn đang phát triển nhanh chóng. Cùng với mật độ giao thông rất cao, thành phố dự báo kẹt xe và ngập nước sẽ là hai vấn đề lớn mà đô thị “đầu tàu” cần phải tập trung giải quyết và tháo gỡ.
Hiện nay, TPHCM tập trung xây dựng các tuyến đường trên cao, với kỳ vọng sẽ giúp tách biệt dòng xe, giảm áp lực cho các tuyến đường mặt đất, cải thiện tốc độ đi lại và giảm thiểu thời gian chờ đợi tại các nút giao cắt giao thông. Ngoài ra, đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM cũng cho biết, hiện nay Sở đang nghiên cứu 5 dự án BOT đường hiện hữu theo cơ chế đặc thù (vận dụng Nghị quyết 98) để tham mưu UBND TPHCM về giải pháp giảm kẹt xe hiệu quả về lâu dài. Các giải pháp đồng bộ, kết hợp tăng tiến độ các dự án hạ tầng, giúp tăng khả năng kết nối giao thông thuận lợi, nhanh chóng giữa các quận, huyện và trung tâm lớn, kể cả năng lực liên kết vùng của TPHCM.
Đối với tình trạng ngập úng, báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM về tình hình ngập do mưa và triều cường tại thành phố, đến nay còn 19 điểm ngập (13 tuyến đường ngập do mưa và 6 tuyến đường ngập do triều cường). Nguyên nhân ngập chủ yếu do biến đổi khí hậu, nhất là tần suất mưa có xu hướng nhiều hơn. Hiện nay, địa hình một số quận, huyện ở khu vực tương đối trũng, thấp, khiến thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, biến đổi khí hậu, kèm theo thói quen của một bộ phận người dân xả rác làm bít miệng thu nước… đã khiến khả năng thu, thoát nước của hệ thống cống thoát nước của TPHCM bị hạn chế, đặc biệt là vào các thời điểm mưa lớn kết hợp triều cường.
Phản biện về quản lý nhà nước của TPHCM về các “điểm đen” ngập úng, bà Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM đưa ra nghiên cứu, cho biết trên thực tế, nhiều nơi không nằm trong danh sách 19 “điểm đen” ngập úng của Sở Xây dựng TPHCM vẫn bị ngập. Nguyên nhân đến từ các dự án chống ngập thi công kéo dài, thiếu tính kết nối đồng bộ, hoặc các khu vực cống thoát nước xuống cấp, ứ đọng, gây ngập cục bộ.
Cũng theo chuyên gia này, việc thiếu vốn đầu tư và việc phải đầu tư dàn trải vào các dự án hạ tầng trọng điểm cũng đã khiến các dự án chống ngập và giảm kẹt xe cho trung tâm TPHCM ì ạch kéo dài. Tình trạng này khiến người dân vẫn phải khổ sở, khó khăn trong sinh hoạt và đi lại cho đến nay.