Cơ quan CSĐT Công an TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) vừa ra quyết định tạm giữ hình sự nhóm 4 kẻ xông vào trụ sở TAND cùng cấp, thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Những người này đã bất chấp sự tôn nghiêm của TAND, nơi thực thi và bảo vệ công lý, ngang nhiên dùng dao khống chế người khác dẫn đi “nói chuyện”. Sau Đường “nhuệ” đánh người ngay trụ sở Công an, giờ đến nhóm côn đồ này uy hiếp người khác ngay tại trụ sở tòa án. Thật đúng là coi trời bằng vung!
Theo thông tin từ Công an TP Thuận An, vài ngày trước TAND cùng cấp thực hiện việc hòa giải giữa hai người tranh chấp mua bán đất là ông Trịnh Việt Lào và anh Trịnh Văn Đảm. Sau đó, con trai ông Lào đã gọi thêm 3 người khác “phục sẵn” ở cổng tòa án xông vào dùng dao khống chế định lôi anh Đảm lên xe ô tô. Tuy nhiên, khi ra đến sân tòa án, anh Đảm vớ được cột cờ nên ôm chặt và kêu cứu. Sự việc lập tức được báo cho cơ quan công an, ngay sau đó lực lượng Công an TP Thuận An đã kịp thời có mặt giải quyết.
Nhiều người nói rằng anh Đảm may mắn nên đã kịp kêu cứu, chứ nếu bị nhóm côn đồ áp giải lên xe ô tô chở đi thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Điều đó thực sự khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc và bất bình, bởi một công dân vào làm việc tại trụ sở tòa án mà vẫn phải nhờ có may rủi mới thoát. Điều đó không chỉ cho thấy thái độ coi thường pháp luật của nhóm côn đồ, mà còn lộ ra lỗ hổng về an ninh trật tự ngay chính tại trụ sở các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Lâu nay, hầu hết các tòa án các cấp, nhất là TAND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đều chỉ coi trọng công tác bảo vệ an ninh trật tự trong các phiên tòa hình sự. Việc giữ gìn trật tự an ninh trong các phiên tòa dân sự, hành chính, lao động... có vẻ chưa thực sự được quan tâm nên ở một số nơi đã phát sinh những tình huống bất ngờ ngoài dự kiến ngay tại trụ sở tòa án. Việc anh Trịnh Văn Đảm bị nhóm côn đồ dùng dao khống chế định áp giải lên ô tô đi nơi khác “giải quyết” chính là minh chứng cho điều đó.
Ngay cả ở các phiên tòa hình sự, thậm chí là ở TAND cấp tỉnh cũng đã xảy ra những tình huống tréo ngoe khó có thể chấp nhận được. Liên tiếp xảy ra 2 vụ bị cáo tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước, trong đó một bị cáo đã thiệt mạng là một ví dụ. Thật không thể tưởng tượng được vì sao các bị cáo bị xét xử trong các vụ án hình sự lại có thể dễ dàng tự tử trong khuôn viên của trụ sở tòa án? Lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đang ở đâu, làm gì khi các bị cáo thực hiện hành vi tự tử của mình?
Giả sử, chỉ là giả sử thôi, nếu các bị cáo trong các vụ án hình sự thay vì tự tử, lại manh động xông lên hành hung, gây bất lợi cho các thẩm phán xét xử thì sẽ tính sao đây? Các thẩm phán ở ngoài đời cũng chỉ là một con người, bình đẳng như những người khác, nhưng khi họ ngồi trên bục xét xử, họ đại diện cho Nhà nước, đại diện cho luật pháp, cần có sự tôn nghiêm. Trong vụ án này, thay vì bắt giữ anh Đảm, nhóm côn đồ lại bắt giữ thẩm phán thụ lý vụ tranh chấp thì sẽ thế nào?