Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh - huyện Nam Trực), mới đây Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định phối hợp cùng Sở TN-MT tổ chức lễ phát động, kêu gọi cộng đồng địa phương, bằng những hành động thiết thực hãy tích cực chung tay bảo vệ môi trường sống của làng nghề …
Đại diện các hộ sản xuất, kinh doanh ở làng nghề Bình Yên
ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường.
Bình Yên, được biết đến là làng nghề chuyên tái chế, cô đúc nhôm, với gần 300/570 hộ tham gia. Bên cạnh mặt tích cực tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 2.000 người, hoạt động tái chế nhôm của làng nghề kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp, là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại địa phương…
Theo tính toán của cơ quan chức năng, bình quân mỗi ngày làng nghề Bình Yên thải ra môi trường hàng chục tấn chất thải rắn nguy hại; khoảng 500m3 nước thải tẩy rửa sản phẩm, gồm sút, muối Cr và một số hóa chất chuyên dụng khác. Điều đáng nói là, từ nhiều năm nay, toàn bộ khối lượng chất thải rắn nguy hại và nước thải đều được các hộ dân làng nghề đổ thải trực tiếp ra lề đường, bờ ruộng, kênh, mương, không qua bất cứ một khâu xử lý nào...
Kết quả quan trắc của Bộ TN-MT tại làng nghề Bình Yên cho biết: môi trường nước mặt tại sông Nam Ninh Hải đoạn qua làng nghề- nơi chứa nước thải của các cơ sở sản xuất, có hàm lượng SS (chất rắn lơ lửng) cao gấp 12,2 lần quy chuẩn; COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa) cao gấp 20 lần; BOD5 (lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn có trong nước nói chung và nước thải nói riêng gây ra với thời gian 5 ngày) cao gấp 21,2 lần. Hệ lụy của việc trên là sức khỏe của người dân địa phương và lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 4 ha đất liền kề làng nghề không thể canh tác…
Theo đại diện chính quyền xã Nam Thanh, trước đó, nhằm khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của làng nghề Bình Yên, Bộ TN-MT; Sở TN-MT Nam Định; một số tổ chức phi chính phủ đã triển khai tại đây một số hoạt động.
Trong đó, Tổng Cục Môi trường có một số mô hình xử lý khí thải, nước thải và chất thải rắn. Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ có dự án hỗ trợ làng nghề, tập trung vào việc giảm thiểu nước thải sản xuất, khói bụi bằng việc hỗ trợ người dân làng nghề xây dựng một số hố gas, trang bị một số vật dụng bảo vệ môi trường khác như ống khói, thùng nhựa chứa nước thải, chất thải rắn, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, các hoạt động trên mới chỉ là các mô hình thí điểm, quy mô nhỏ nên chưa thay đổi được thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của làng nghề…
Theo ông Đặng Phúc Giao-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, qua theo dõi, nắm bắt tình hình của cơ quan Mặt trận thì đến nay Dự án mới triển khai được việc xây dựng tại đây một trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm. Trong khi đó, hàng chục tấn chất thải rắn người làng nghề này thải ra mỗi ngày vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý hiệu quả.
Nguyên nhân, tại Nam Định chưa có cơ sở có đủ năng lực để xử lý loại chất thải này, phải mang ra tỉnh ngoài xử lý. Trong khi đó, phí vận chuyển, xử lý một tấn chất thải rắn hiện lên tới 3,5 triệu đồng. Với mức phí này, các hộ dân làng nghề Bình Yên tỏ ra không “mặn mà”. Trên thực tế, nhiều hộ vẫn trốn tránh bằng việc lén lút đổ thải ra môi trường. Mục tiêu khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề Bình Yên của dự án do vậy đang gặp những khó khăn, thách thức rất lớn.
Xuất phát từ thực tế trên, tại lễ phát động mới đây, thay mặt UBMTTQ tỉnh Nam Định, ông Đặng Phúc Giao - Phó Chủ tịch thêm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, sự nguy hại của các hành vi hủy hoại môi trường sống. Đồng thời kêu gọi kêu gọi người dân làng nghề Bình Yên nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay cùng chính quyền, cơ quan chức năng trong việc triển khai dự án; trong đó cần thực hiện nghiêm các quy định về xử lý nguồn nước thải sản xuất, khí thải độc hại và chất thải rắn.
Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Nam Định cũng đề nghị Mặt trận địa phương, trực tiếp là Ban công tác Mặt trận khu dân cư làng nghề phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp tăng cường các hoạt động, hình thức tuyên truyền, vận động, giúp người dân làng nghề nâng cao ý thức, trách nhiệm; gắn liền các hoạt động sản xuất, kinh doanh với việc bảo vệ môi trường sống của mình bằng những hành động, cụ thể, thiết thực, qua đó chung tay từng bước giải quyết “vấn nạn” ô nhiễm môi trường.