Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, với số ca mắc tăng nhanh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân phản ánh những địa chỉ có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”…
Người dân còn chủ quan
Hiện TPHCM đang là điểm nóng sốt xuất huyết (SXH) của khu vực phía Nam với số ca mắc liên tục tăng mạnh thời gian gần đây. Theo Sở Y tế TPHCM, nếu như hàng năm thành phố ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc SHX, trong đó có khoảng 5 – 10 trường hợp tử vong, thì năm nay, tính đến hết ngày 5/7/2022, tổng số ca mắc SXH của toàn thành phố là 23.516 ca, trong đó đã có 11 ca tử vong, tăng 9 ca so với trung bình giai đoạn 2016-2020.
Số ca mắc SXH tăng cao cùng với nhiều ca diễn biến nặng, tuy nhiên, ở nhiều nơi, một bộ phận người dân và chính quyền địa phương vẫn còn chủ quan, lơ là. Đây chính là nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát mạnh hơn. Tại nhiều địa phương, bên cạnh số ca mắc tăng cao thì vẫn còn hàng nghìn điểm nguy cơ khiến dịch tiếp tục bùng phát trên diện rộng.
Mới đây, khi kiểm tra tình hình SXH tại phường 7, quận 8 - một điểm nóng về SXH của thành phố, đoàn Công tác do ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM dẫn đầu đã nhận thấy rất nhiều nơi có lăng quăng.
Ông Nguyễn Văn Tư (phường 7, quận 8) cho biết, nơi ông sống có một số dự án bỏ hoang, nước đọng gây phát sinh muỗi. Bên cạnh đó, người dân sử dụng vật chứa nước không cần thiết nhưng không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Qua thực tế kiểm tra, ông Hưng lo lắng khi nhiều chỗ còn có nguy cơ phát sinh lăng quăng, gây bệnh SHX. Điều đáng nói, là nhiều người dân vẫn rất thờ ơ với việc diệt tận gốc nguyên nhân gây bệnh SXH.
Theo bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM, nguy cơ SHX ở quận 8 cũng như các quận khác trong thành phố chủ yếu từ vật chứa nước trong nhà dân hoặc công sở, công trình xây dựng... Toàn quận 8 có 1.147 điểm nguy cơ SXH thì có tới 1.014 điểm là nhà dân trữ nhiều nước sinh hoạt, có khả năng phát sinh SXH.
Dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng
Ngày 8/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã cập nhật và bổ sung ứng dụng “Y tế trực tuyến” để người dân có thể dễ dàng phản ánh đến Thanh tra Sở Y tế và các phòng chức năng những địa chỉ trong cộng đồng có nguy cơ gây dịch bệnh SHX. Khi nhận được những phản ánh này, Sở Y tế sẽ xác nhận và chuyển ngay thông tin của người dân đến chính quyền địa phương để xử lý theo quy định, ngay cả xử phạt hành chính theo quy định.
Được biết, Quận 8 cũng đã có 9 đề xuất xử phạt những nơi không dọn dẹp vệ sinh, để phát sinh lăng quăng... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nơi nào bị xử phạt.
Dự báo về tình hình dịch SXH trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM cho rằng, những tháng còn lại của năm 2022 là cao điểm của mùa mưa, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng, theo đó, số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng, nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch ngay từ bây giờ.
Các bác sĩ cũng cảnh báo, bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ đến rất nặng và có thể gây tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể SXH Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Cho đến nay SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua việc diệt muỗi, diệt lăng quăng. Vì vậy, biện pháp phòng, chống SXH duy nhất hiện vẫn là “diệt lăng quăng, diệt muỗi”, trong đó diệt lăng quăng được xem là biện pháp đơn giản, hiệu quả và căn cơ” - đại diện Sở Y tế TPHCM thông tin.
Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở những vùng nguy cơ xảy ra dịch SXH; đồng thời yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn thực hiện những biện pháp diệt lăng quăng phù hợp cho từng loại vật chứa phổ biến.