Bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, thì theo giới chuyên giá kinh tế phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất.
Điều đó đã được chứng minh trong năm 2020, khi Việt Nam phải vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phải chống chịu, khôi phục và phát triển kinh tế: Thực hiện nhiệm vụ kép chưa có tiền lệ.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự báo kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức từ những hệ lụy của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên ông Dũng cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội khi lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. “Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách không triển khai được hoặc hiệu quả không được như kỳ vọng do được thiết kế theo tư duy chủ quan của người hoạch định, không bám sát thực tiễn, không đứng trên giác độ của người thụ hưởng chính sách” - theo ông Dũng.
Với câu hỏi trong bối cảnh tự do thương mại và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần làm gì? Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Cũng ít ai có thể tin rằng, trong năm 2020- một năm vô cùng khó khăn thì Việt Nam lại có mức xuất siêu kỷ lục. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu quý IV/2020 đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD - tăng 9,7%, chiếm 72,2%.
Năm 2020, cho dù mắc phải những khó khăn do dịch Covid-19 thì năm 2020 Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc, vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước.
Nhìn lại cả năm 2020, xuất siêu 19,1 tỷ USD. Đây là con số “không tưởng” khi mà cả thế giới lún sâu vào khủng hoảng chỉ vì Covid-19.
Tuy nhiên, không chỉ xuất khẩu, điều hết sức quan trọng là Chính phủ đã chủ trương quay lại thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Đây là chủ trương “xoay trục” vô cùng ngoạn mục của Chính phủ. Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19, thì thị trường nội địa chính là cứu cánh cho doanh nghiệp.
Ông Nam cho rằng, khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ “sân nhà”, giảm phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai. Chí ít thì điều đó cũng tạo ra cho doanh nghiệp một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động, “khi thị trường thế giới ổn định hơn thì khả năng bật lên của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn”.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân không phải thị trường quy mô nhỏ. Nhất là trong lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều tới thị trường thế giới thì khi kinh doanh trên thị trường nội địa các doanh nghiệp Việt Nam còn có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu xác định đúng thì về lâu dài với các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để bước tiếp sang thị trường khác một cách mạnh mẽ.
Nhìn vào năm 2021, khó khăn vẫn còn đó, nhưng trên nền tảng chắc khỏe của năm 2020 vô vàn khó khăn, các ý kiến vẫn cho rằng năm nay sẽ chứng kiến sự bứt phá của kinh tế Việt Nam, không chỉ dừng ở mức tăng trưởng (GDP) 6%, hay 6,5% mà con số 7% cũng không phải là quá xa vời. Đặc biệt, cho tới ngày 25/1/2021, Việt Nam đã trải qua 55 ngày không có ca lây nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng.
Nếu như năm 2020 đã chứng tỏ khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam thì năm 2021 sức bật mạnh mẽ cũng không có gì là khó hiểu.