Sức khỏe

Khả năng lây nhiễm cúm A/H5N1 từ hổ sang người ra sao?

Hoàng Chiến 04/10/2024 15:46

Theo BS. Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), mặc dù virus cúm A/H5N1 có khả năng gây bệnh ở các loài động vật có vú song việc lây nhiễm sang người là rất thấp.

Khả năng lây nhiễm thấp

Mới đây, thông tin về việc hàng chục con hổ và báo tại 2 vườn thú ở Đồng Nai và Long An chết do nhiễm cúm A/H5N1 khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, sau khi đàn hổ 20 con và một con báo chết, kết quả xét nghiệm có 2 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1. Đến nay chưa ghi nhận thêm con vật nào chết.

Hiện chưa tìm thấy nguồn lây liên quan các trường hợp dương tính virus cúm A/H5N1.

Bước đầu nghi lây nhiễm do thức ăn. Diễn tiến ban đầu các con vật có biểu hiện và chết hàng loạt tại các vị trí chuồng cách biệt, không tiếp giáp và không tiếp xúc với nhau, cùng ăn chung một loại thực phẩm là ức gà, đầu gà từ một nguồn cung cấp...

Cơ quan chức năng đang tiến hành truy vết nguồn gà để xác định rõ nguồn lây nhiễm. Từ đó, có giải pháp khoanh vùng, dập dịch, ngăn ngừa lây lan.

ttxvn-ho-1-resize-5254.jpg
Các cá thể hổ được chăm sóc tại Khu du lịch Vườn Xoài. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, mặc dù virus cúm A/H5N1 có khả năng gây bệnh ở các loài động vật có vú song việc lây nhiễm sang người là rất thấp.

Theo đó, các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người. Về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với vi rút cúm A/H5N1.

Vì là virus của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người là rất thấp. Do đó, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

"Con người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí", BS cho biết thêm.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh, mặc dù nguy cơ lây nhiễm thấp nhưng nếu sau khi lây truyền sang người, virus còn có khả năng tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, có nguy cơ gây nên đại dịch ở người.

image.daidoanket.vn-images-upload-chienvh-11132023-_img_9540-2.jpg
BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).

Nhận biết với các loại cúm thông thường

BS Thiệu cho biết thêm, với các triệu chứng lâm sàng, sẽ rất khó để phân biệt cúm thông thường hay cúm gia cầm H5N1.

Cụ thể, các loại cúm mùa thông thường như cúm A, cúm B, hay Covid-19… và cúm gia cầm, người bệnh đều có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thông thường như: ho, sổ mũi, đau đầu, đau mỏi cơ, sốt,…

Tuy nhiên, với các bệnh nhân mắc cúm gia cầm H5N1, các triệu chứng sẽ có diễn tiến nhanh hơn, nặng hơn với các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp,… với tỷ lệ tử vong cao, đến trên 50%.

Còn với các chủng khác như Covid-19, cúm A, cúm B,… bệnh nhân cũng có thể có những tiến triển nặng tương tự như viêm phổi, suy hô hấp,… nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.

Do đó, cách duy nhất để biết một người bệnh có mắc cúm gia cầm H5N1 hay không là làm xét nghiệm để xác định.

Cụ thể, với các loại cúm H5N1, H1N1 thì có thể làm xét nghiệm PCR. Trong khi, với các xét nghiệm nhanh có thể xác định được cúm A, cúm B, Covid-19,…

Để phòng tránh, BS Thiệu khuyến cáo, người dân cần hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời...

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.

2. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

3. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

4. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

5. Ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

6. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khả năng lây nhiễm cúm A/H5N1 từ hổ sang người ra sao?