Vùng đất chỉ nghe cái tên thôi là người ta đã cảm nhận được sự bình yên - Bình Thuận, sẽ mang lại cho bạn từ ngạc nhiên ngày tới ngạc nhiên khác với Bãi biển Phan Thiết lộng lẫy, tháp Chăm Poshanư cổ xưa, vẻ độc đáo của Mũi Né, tiểu sa mạc Bàu Trắng... và những món ăn hấp dẫn.
Tiểu sa mạc Bàu Cát.
Chúng tôi tới TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào một ngày tháng 11 có mưa rào nhẹ vào buổi sớm. Cơn mưa khiến thành phố biển quanh năm nhiều nắng, nhiều gió này như dịu dàng hơn. Ngồi trong quán cà phê ven biển, trước khách sạn Bình Minh để tận hưởng những cơn gió phóng khoáng, anh bạn “thổ dân” bảo rằng, tới đây mà gặp mưa thế này, coi như chúng tôi gặp may bởi thành phố này nằm trong vùng khô hạn nên mưa đương nhiên là của hiếm.
Vì yêu những khối gạch nung đỏ sẫm của tháp Chăm, chúng tôi chọn tháp Poshanư là điểm đến đầu tiên bởi di tích kiến trúc Chăm này chỉ cách thành phố Phan Thiết 6km. Poshanư là cụm tháp Chăm cổ đẹp, là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm.
Với lối kiến trúc độc đáo, điểm đến này đặc biệt với ai muốn tìm hiểu thêm về quá trình phát triển và văn hóa Chăm Pa. Nếu muốn trải nghiệm quá khứ, bạn có thể lưu lại các khu du lịch gần tháp Poshanư, các kiến trúc sư ngày nay đã thiết kế những khu nghỉ dưỡng được mô phỏng theo lối kiến trúc người của Chăm xa xưa. Anh bạn tiếc nếu chúng tôi chọn tới đây sớm hơn chừng vào khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 Dương lịch thì sẽ được tham dự Lễ hội Kate. Cùng với nghi thức cúng của các chức sắc, người dân cũng tổ chức cúng ở các khu vực xung quanh tháp Poshanư và du khách được hòa vào không khí của lễ hội.
Còn đi về phía Đông Bắc, cách TP Phan Thiết khoảng 65km, Bàu Trắng là một thắng cảnh nổi tiếng của Bình Thuận, thuộc huyện Bắc Bình. Du khách có thể đến với Bàu Trắng bằng hai cung đường khác nhau: Từ Hòn Rơm đi xe Jeep, men theo đường đến Mũi Né, qua chợ Mũi Né, Đồi Hồng cứ thế chạy dọc bãi biển. Xe chạy khoảng một tiếng đồng hồ từ Mũi Né là vào tới Bàu Trắng, hoặc từ TP Phan Thiết theo QL1A đến Lương Sơn, có ngã ba, rẽ phải chừng 18km băng qua những ngọn đồi trọc, lúc lên cao, lúc xuống thấp, xuyên qua các cánh rừng sò đo, rừng dừa xanh mướt trên những động cát trắng thơ mộng là đến nơi.
Trước mắt chúng tôi là một hồ nước ngọt nằm giữa vùng đồi cát mênh mông, quanh bờ có nhiều sen mọc tạo nên bức tranh sơn thủy lung linh, huyền ảo. Đến với Bàu Trắng, chúng tôi thuê xe đạp nước để lênh đênh khám phá vẻ đẹp của ốc đảo giữa sa mạc. Một số nhóm du khách tổ chức cắm trại, câu cá dưới khu rừng dương ở phía bờ Bắc.
Chán dưới nước, chúng tôi lên bờ thuê xe mô tô chinh phục các đồi cát. Cảm giác được lướt băng băng trên những triền cát, chinh phục hết đỉnh đồi này đến đỉnh đồi khác mang đến ngập tràn tiếng cười sảng khoái. Dù các dịch vụ du lịch ở đây chưa phát triển nhưng Bàu Trắng vẫn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Bình Thuận của du khách bốn phương, đặc biệt là những người yêu nhiếp ảnh. Người ta còn mệnh danh Bàu Trắng là tiểu sa mạc.
Còn về phía Nam, vẫn lấy tâm điểm là TP Phan Thiết, đi thêm 25 km bạn sẽ bắt gặp ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á tọa lạc trên mũi hòn đảo cùng tên. Sở hữu ngọn đèn biển có phần tháp xây cao nhất Việt Nam, đảo Kê Gà là điểm dừng chân vô cùng thú vị. Hãy thử cảm giác chinh phục đỉnh tháp khi bước qua 183 bậc thang xoáy trôn ốc, để từ đây phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình của đảo và cả một vùng trời biển bao la.Và ở đây, bạn cũng đừng bỏ qua cơ hội chứng kiến hoạt động của những làng chài xứ biển.
Bên cạnh phong cảnh tuyệt mỹ, ẩm thực Ninh Thuận cũng níu chân du khách bởi nhiều món ăn độc đáo. Anh bạn đưa chúng tôi đến quán bánh canh chả cá trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Điểm hấp dẫn của bánh canh chả cá Phan Thiết là ngoài những miếng chả cá chiên óng ả, miếng chả cá hấp ngọt mềm là những sợi bánh canh nhỏ, rời có màu trắng sữa.
Điểm thứ hai là nếu thưởng thức món ăn này tại đây, bạn đừng quên thử cách kết hợp lạ giữa bánh mì và nước dùng của người dân nơi đây. Ở bãi biển Mũi Né, chúng tôi cũng được thưởng thực món bánh quai vạc. Món này hấp dẫn du khách ở lớp bột trong veo, dai mịn, com tôm lột đỏ au. Song yếu tố khiến du khách muốn ăn lại lần nữa chính là chén nước mắm được pha chế từ loại mắm nổi danh của địa phương hay miếng chả cá hấp dai, mịn.
Còn ở ga Phan Thiết, chúng tôi lại được thưởng thức món răng mực nướng. Theo người dẫn đường thì lúc trước, phần này của con mực thường được bỏ đi, sau đó vài người thử dùng để chế biến món ăn. Ngày nay, nó trở thành đặc sản địa phương cũng như món quà vặt quen thuộc của đời học sinh. Điểm hấp dẫn của món ăn này không nằm ở tạo hình mà là ở vị dai, giòn nhấn nhá cùng bánh tráng nướng, tương ớt vui miệng.
Một món ăn khá lạ miệng khác được bán ở ngã tư Thủ Khoa Huân và Trần Hưng Đạo hay góc Trần Hưng Đạo và ngã 3 Tam Biên là bánh tráng mắm ruốc. Bánh tráng nướng không lạ, mắm ruốc càng không nhưng cách nướng kết hợp hai nguyên liệu này ở Bình Thuận khiến du khách lạ lẫm. Bánh tráng dùng cho món ăn này là bánh tráng gạo, tráng mỏng điểm xuyết thêm vài hạt mè đen. Khi có khách yêu cầu, người bán sẽ lấy bánh tráng, trét lên một mắm ruốc, rồi thêm trứng cút thái múi cau, nem, chả cá, hành hoa... nướng trên lửa than nhỏ. Khi bánh chín đến một độ nhất định, đầu bếp sẽ dùng một thanh tre nhỏ, cuộn từ từ thành một chiếc kèn nhỏ sao cho các nguyên liệu đều nằm gọn trong cái cuốn nho nhỏ...
Và người Bình Thuận cứ dần chinh phục du khách bằng những nét khác lạ ấy.