Xã hội

Khắc phục hạn chế khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Lê Bảo 09/08/2024 13:11

Năm 2024, mục tiêu đặt ra là đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên 7 tháng đầu năm theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 lao động, đạt 71,89% kế hoạch cả năm.

Hiện các thị trường ngoài nước tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: Sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ, với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Mặc dù đạt kết quả cao nhưng theo đánh giá của Bộ LĐTBXH công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó chất lượng nguồn lao động vẫn chủ yếu là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài vẫn là vấn đề nan giải, dù tỷ lệ này đang giảm dần. Tỷ lệ lao động không về nước khi hết hợp đồng hiện nay nhiều nhất là ở thị trường Hàn Quốc. Gần đây nhất, hồi tháng 5, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã thông báo danh sách gần 3.200 lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan, cho biết số liệu ở thời điểm hiện tại chưa thống kê đầy đủ, song tỷ lệ lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang giảm dần. “Chúng tôi và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hơn để giảm thiểu tình trạng này” - ông Bá Hoan cho biết.

Để hạn chế thực trạng lao động bỏ trốn bất hợp pháp, theo ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam thì cần có thêm những giải pháp đồng bộ khác. Trong đó, tạo việc làm cho người lao động sau khi về nước là giải pháp rất quan trọng. Để làm được điều này, cần có chính sách riêng và phối hợp các địa phương để liên kết doanh nghiệp với người lao động đã làm việc ở nước ngoài về nước. Bên cạnh đó cần nghiên cứu đàm phán nâng thời hạn hợp đồng làm việc lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay. Tăng thời gian làm việc sẽ tăng thêm thu nhập, từ đó người lao động sẽ bớt nảy sinh tâm lý bỏ trốn. Đồng thời có thêm chính sách hỗ trợ vay vốn tốt hơn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hạn chế tình trạng người lao động phải vay lãi cao và áp lực trả nợ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ trốn.

Với những vấn đề còn tồn tại, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn bất hợp pháp. Đơn cử thị trường Hàn Quốc, hai bên thống nhất 2 năm một lần, sẽ thoả thuận về kế hoạch thực hiện các giải pháp để giảm được tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Bám vào kế hoạch đó, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ thực hiện triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục hạn chế khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài