Sáng 27/8, tại Thừa Thiên-Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản”.
Ngư dân các tỉnh Bắc miền Trung chờ đợi kết luận cuối cùng để yên tâm ra khơi.
Tại hội nghị, căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 22/8, Bộ NN&PTNT đưa ra hướng dẫn khai thác, giám sát sản phẩm hải sản, việc nuôi trồng thủy sản và nghề muối tại tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
4 phương án khai thác hải sản
Đối với khai thác thủy sản, Bộ NN&PTNT trình 4 phương án để Hội nghị thảo luận. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, phương án đầu tiên là cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ, kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.
Thứ hai là cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm 3 vùng biển như Bộ TN-MT khuyến cáo, gồm các vùng biển cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương (Hà Tĩnh) với diện tích 300km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) với diện tích 330km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên-Huế) với diện tích 160km2. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.
Thứ ba là cho phép ngư dân khai thác bình thường, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ. Cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh miền Trung đối với các nghề: lưới, kéo, rê đáy, lăn, lồng bẫy.
Thứ tư là cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng đưa ra phương án khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản bình thường trên biển và vùng ven biển tại 4 tỉnh. Đối với nghề muối, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn diêm dân tham gia hoạt động sản xuất muối bình thường và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm theo định kỳ.
Về thời điểm báo cáo tổng hợp thiệt hại do sự cố môi trường, theo công văn của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) việc hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, các tỉnh này phải tiến hành kiểm tra, rà soát, tổng hợp kết quả thống kê, xác định thiệt hại, báo cáo lên Bộ trước ngày 10-9. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo 4 tỉnh cho rằng với thời gian quy định như vậy chắc chắn sẽ thực hiện không kịp. Các tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT lùi lại thời gian công bố quyết định thêm 5 ngày, tức là tới ngày 15-9. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Bộ không áp đặt một cách thiếu dân chủ mà chủ động xin ý kiến các địa phương bởi địa phương là sát thực nhất, dù công văn đã kí rồi. “Bộ sẽ trình ý kiến lùi thời gian báo cáo thống kê thiệt hại môi trường biển ở các địa phương lên Thủ tướng. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu các tỉnh phải nhanh chóng hoàn thành báo cáo trong thời gian sớm nhất”- ông Tám nói.
Tại Hội nghị, đại diện 4 tỉnh miền Trung kiến nghị cần phải nhanh chóng kiểm tra các kho lạnh thủy sản ở các địa phương bị ảnh hưởng môi trường biển, để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp. Về vấn đề này, theo Bộ NN&PTNT, việc lấy mẫu giám sát hải sản an toàn phối hợp với Bộ Y tế lấy mẫu kiểm tra hải sản ở các kho đông lạnh (theo báo cáo còn 3.900 tấn hải sản đông lạnh), phân loại lô hàng nào an toàn để sử dụng; lô nào không an toàn sẽ tiến hành tiêu hủy. Đại diện Bộ Y tế khẳng định thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ giám sát các mẫu hải sản; Phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, trong thời gian sớm nhất sẽ công bố kết quả giám sát hải sản trước công luận.
Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo các địa phương, cần phải thận trọng khi xác đối tượng thiệt hại. Ví như đưa thêm các chủ tàu công suất từ 90 CV trở lên vào diện được hỗ trợ, ưu tiên dành kinh phí bồi thường cho người dân chịu thiệt hại sớm nhất. Bên cạnh đó cần khoanh vùng ngư trường an toàn và giám sát chặt chẽ hơn với hải sản khai thác đưa vào bờ.
Đánh giá ô nhiễm môi trường: Dấu hiệu khả quan
Trước đó, ngày 26/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ TN-MT, Y tế, NN&PTNT, Viện Hàn lâm Khoa học VN; ĐHQG Hà Nội.
Thông tin tại đây cho biết, qua kết quả nghiên cứu cho thấy các thông số lý hóa, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong ngưỡng cho phép. Riêng các thông số sắt, tổng lượng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) có biến động theo hướng giảm dần. Đối với sắt, kết quả quan trắc vào tháng 5-2016 có 3,8% số mẫu vượt ngưỡng; đến tháng 6-2016 có 1,8% mẫu vượt ngưỡng.
Hàm lượng xyanua tháng 5/2016 lớn hơn tháng 6-2016 (giá trị cao nhất là 0,002ug/l). Hàm lượng phenol trong nước vào tháng 5/2016 hầu như không phát hiện, hoặc phát hiện mức thấp; tháng 6-2016 tăng lên 2,7% mẫu vượt ngưỡng. Đến nay, hàm lượng này, đã giảm xuống dưới ngưỡng. Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thuỷ sản và bảo tồn thuỷ sinh.
Đáng chú ý, tại các khu vực cách bờ 1,5km thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300km2), Cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330km2), Hòn Sơn Chà - Thừa Thiên- Huế (diện tích khoảng 160km2 ) do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số môi trường cao hơn so với các khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép, cần tiếp tục được quan trắc và giám sát chặt chẽ, thường xuyên.
Như vậy, việc đánh giá tác hại môi trường tới đâu để khôi phục sản xuất, đời sống của người dân đang được tiến hành rất khẩn trương.