Liên quan tới tình trạng thiếu thiết bị, vật tư y tế, thảo luận tổ ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu có chung quan điểm, đề nghị Bộ Y tế phải đánh giá thêm về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở tuyến cơ sở như thế nào để thấy thực trạng chung chứ không riêng gì tuyến Trung ương và các bệnh viện Trung ương. Từ đó có những giải pháp căn cơ trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thiếu thiết bị y tế, bệnh nhân thiệt thòi
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội vào sáng 22/10, BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết đã hơn 8 tháng qua nhưng vẫn chưa có những thay đổi về chính sách để khắc phục khó khăn khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Thời gian qua các BV loay hoay mua sắm, đấu thầu trang thiết bị; sắp tới đây lại lo ngại tất cả các máy CT, xạ trị cao cấp đa số là độc quyền của hãng nào phải đi theo thiết bị của hãng đó.
Lấy ví dụ cụ thể, BS Nguyễn Tri Thức cho biết, một máy CT ở BV Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cháy một bóng đèn bình thường, thì đều phải mua của hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua linh kiện của hãng cụ thể, sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu. Vì vậy, bác sĩ "như ngồi trên lửa", máy CT hỏng mà không biết làm sao mua thiết bị thay thế.
Thực tế, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế đang diễn ra ở không ít các BV trên phạm vi toàn quốc. Tại BV Tai - Mũi - Họng trung ương, do thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất và trang thiết bị đã khiến BV phải chuyển bệnh nhân đến nơi khác để thực hiện dịch vụ kỹ thuật như chụp CT, MRI, giải phẫu bệnh… Còn tại BV Bạch Mai cũng đã từng thông tin về việc thiếu nhiều loại thuốc giải độc. Các loại thuốc này đều là thuốc hiếm, gồm huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước - Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Giang thông tin: “Hiện nay BV vẫn đảm bảo được thuốc điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên đối với vật tư, thiết bị y tế thì đang rất khó mua do sự không rõ ràng của các quy định mua sắm. Thậm chí các cơ quan thẩm định giá hiện tại cũng không tham gia thẩm định giá trang thiết bị y tế khiến BV rất chần chừ khi mua sắm”.
Minh bạch, công khai trong đấu thầu
Sau khi ĐBQH Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy, phản ánh tại Quốc hội việc khó mua thiết bị, đại diện Bộ Y tế lên tiếng phản hồi. Theo đó, ngày 23/10, ông Lê Thành Công - Vụ phó Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, về cơ bản đã có đủ quy định pháp lý phục vụ mua sắm, đấu thầu. Tuy nhiên, trước phản ánh của Giám đốc BV Chợ Rẫy, Bộ Y tế sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị để xác định vướng mắc ở khâu nào, từ đó sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ việc mua sắm trang thiết bị nhằm đạt mục tiêu phục vụ tốt nhất người bệnh.
Bộ Y tế cũng cho hay, trong thời gian qua để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của các bộ ngành, Bộ Y tế đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.
Cụ thể là đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị. Cụ thể: Phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), trong đó đã bổ sung các quy định mang tính đặc thù của lĩnh vực y tế như quy định cụ thể việc chỉ định thầu mua thuốc cấp cứu, sinh phẩm, linh kiện thay thế đi kèm máy; cho phép áp dụng xuất xứ để phân loại chất lượng… Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó có việc giải quyết tình huống "máy đặt, máy mượn" của các cơ sở y tế.
Tiến hành việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cấp phép lưu hành và đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; Phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 58 ngày 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Bộ Y tế cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc và trang thiết bị y tế.
Về nội dung liên quan đến chỉ định thầu, Bộ Y tế cho biết, vấn đề này đã được quy định tại điểm c khoản1, Điều 22 Luật đấu thầu, cụ thể như sau:
Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây: "Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; Gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ".
Để quy định này bảo đảm tính cụ thể và phù hợp với lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các trường hợp các trang thiết bị y tế có công nghệ đặc thù máy đóng thì việc nâng cấp, sửa chữa thay thế linh kiện hoặc phải mua hóa chất sinh phẩm xét nghiệm của chính hãng thì được chỉ định thầu.
Đây cũng là giải pháp căn cơ tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế. Tuy nhiên trách nhiệm của các chủ đầu tư sẽ rất lớn, phải chỉ định thầu làm sao công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế tức là giá mua sắm phải phù hợp, bảo đảm không có sự chênh lệch giữa các đơn vị khi mua sắm.
TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:
Khẩn trương xem xét tháo gỡ các vướng mắc
Để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, theo tôi Chính phủ cần sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thầm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện.
Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, liên quan giá thuốc, thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu. Bộ Y tế cũng cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu và tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII:
Vấn đề là do cơ chế và con người
Theo tôi nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do cơ chế và con người. Khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế là ở vấn đề giá. Việc này cần cả Bộ Tài chính và Bộ Y tế vào cuộc để thẩm định giá và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Tôi cho rằng cần Bộ Ngoại giao vào cuộc. Ở đây chúng ta có hệ thống đại sứ các nước, qua đó chúng ta có thể nắm được giá các mặt hàng thuốc. Có thể doanh nghiệp luôn đưa giá cao vì lợi nhuận của họ là mục tiêu cuối cùng, nhưng thông qua Bộ Ngoại giao, có thể thẩm định được giá thuốc của các công ty nước ngoài. Khi những Bộ này cùng vào cuộc thì tôi tin là chúng ta sẽ tìm được giá thích hợp nhất.
Về phía Bộ Y tế cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, ví dụ thuốc này thì cần những tiêu chuẩn gì. Đây cũng là cơ sở để đấu thầu. Tuy nhiên, theo tôi, ngoài vấn đề chính sách thì có cả vấn đề về con người. Người được giao nhiệm vụ phải là người có đủ trình độ để tìm được giá đấu thầu thuốc với chất lượng tốt nhất, giá cả phù hợp nhất.
Ngoài ra, theo tôi cũng cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu. Nếu người đứng đầu bị gắn trách nhiệm thì họ sẽ làm có trách nhiệm.