Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu Vàm Cống là dự án sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc do nhà thầu Hàn Quốc đảm nhiệm.
Cầu chính đã được hợp long ngày 29/9, hiện đang thi công các hạng mục hoàn thiện: thảm bê tông nhựa mặt cầu, lắp khe co giãn, sơn kẻ đường và lắp biển báo an toàn giao thông, chiếu sáng.
Tuy nhiên, vào chiều 14/11, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cây cầu, Bộ GTVT cho biết, không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra (ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên); kích thước hình học của công trình phù hợp với hồ sơ thiết kế.
Cầu Vàm Cống thuộc Dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Mekong là cây cầu dây văng lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.
Đây là cầu thứ 2 (sau cầu Cần Thơ) bắc qua sông Hậu thuộc địa phận 2 tỉnh thành Đồng Tháp và Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống khoảng 1,5 km về phía hạ lưu, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu.
Cầu Vàm Cống được xây dựng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng chiều dài gần 3km, chiều cao thông thuyền 37,5 m với tổng mức đầu tư hơn 7.300 tỷ đồng.
Cầu được thiết kế dây văng hình rẻ quạt gồm 114 dây bố trí trên 2 mặt phẳng xiên. Cầu dẫn phía Đồng Tháp gồm 28 nhịp; cầu dẫn phía Cần Thơ gồm 25 nhịp.
Để bảo đảm an toàn cho cây cầu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng khẩn trương chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân, có giải pháp khắc phục triệt để sự cố nứt dầm cầu Vàm Cống, bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của công trình; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.