Biết người dân từ các địa phương thuộc nhóm nguy cơ và nguy cơ cao (về đại dịch Covid-19) không có phương tiện đi lại, một số lái xe (4 chỗ và 7 chỗ) đã đến địa bàn giáp ranh để đón khách chở thuê. Khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, các lái xe khai báo gian dối là chở người nhà đi có việc. Song, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng vẫn xác định được những người ngồi trên xe là khách thuê chở chứ không phải là người nhà như lái xe khai báo.
Vẫn biết người dân có nhu cầu đi lại vì công việc, thăm thân... nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp thì việc tạm dừng vận chuyển liên tỉnh đối với nhóm địa phương nguy cơ và nguy cơ cao là hết sức cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh. Công việc thì làm cả đời, thăm hỏi nhau cũng đâu phải là không còn cơ hội, cớ sao phải “liều mạng” đi lại trong nguy cơ dịch bệnh, phải chui lủi như trộm vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý?!
Mặc dù ưu tiên số 1 là phòng chống đại dịch covid-19, nhưng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia vẫn hiểu nhu cầu đi lại của người dân nên đã có sự nới lỏng giãn cách xã hội ở những địa phương thuộc nhóm 3 (nhóm nguy cơ thấp). Theo đó, những tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ thấp có thể nối lại các tuyến vận tải phục vụ nhân dân, với điều kiện không quá 20 người trên một xe ô tô khách, phải có nước rửa tay khô, hành khách phải đeo khẩu trang, phun thuốc tiêu độc khử trùng ô tô mỗi ngày...
Song, việc nối lại các tuyến vận tải hành khách tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp cũng không phải dễ dàng. Nếu chỉ là các tuyến vận tải trong nội tỉnh thì không nói làm gì, nhưng các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh vẫn còn bị “vướng”. Cụ thể, xe chở khách khởi hành từ Thanh Hóa (thuộc nhóm nguy cơ thấp) không thể đi qua địa bàn tỉnh Ninh Bình bởi địa phương này thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được phép khôi phục vận tải hành khách. Như vậy là người dân ở các địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp muốn di chuyển liên tỉnh vẫn còn là điều khá nan giải.
Với những người chỉ đơn giản là đi thăm họ hàng, người quen, hay người đi giải quyết công việc không quan trọng thì chẳng vấn đề gì, bởi có thể lui chuyến đi lại sau khi hết giãn cách xã hội, nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 không còn. Song, với một số người khác có nhu cầu đi lại để phục vụ sản xuất kinh doanh thì việc hạn chế giữa các tỉnh thuộc các nhóm nguy cơ khác nhau lại là một vấn đề khá bức bối. Có những người có thể “nhịn” được, nhưng cũng có không ít người cố “luồn lách” để di chuyển qua các địa phương thuộc nhóm 1 và nhóm 2.
Như đã nói ở trên, việc thăm người thân, giải quyết công việc, thậm chí là đàm phán sản xuất kinh doanh... nếu không thực hiện trực tuyến được, hoàn toàn có thể lui lại sau khi hết giãn cách xã hội. Vẫn biết nếu để lỡ đàm phán hợp đồng kinh tế, có thể sẽ mất hàng tỷ đồng, thậm chí mất cơ hội hợp tác làm ăn. Song, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang “rình rập” thì việc hy sinh lợi ích là cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Khi bùng phát đại dịch Covid-19 thì không chỉ riêng ai hay doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng, mà toàn xã hội đều phải chịu tác động tiêu cực của nó. Tại sao những người khác, doanh nghiệp khác có thể chịu đựng, có thể khắc phục khó khăn mà một số cá nhân, doanh nghiệp lại không cố chống chọi được? Nếu không giữ được trong tầm kiểm soát, để đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ở nhiều địa phương, thì lúc đó sẽ không chỉ là thiệt hại về kinh tế, mà còn thiệt hại cả về người.
Có ai dám chấp nhận đánh đổi tiền lấy sức khỏe và tính mạng của bàn thân và gia đình không? Chắc chắn là không rồi. Vậy thì đừng vì cái lợi trước mắt, đừng vì một phút sốc nổi làm theo cảm hứng mà phải trả giá đắt. Dù không nhiễm SARS-CoV-2, những nếu bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ, thì những người “đi chui” sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nhẹ là xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Có đáng không?