Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Kỳ vọng sự đột phá chất lượng văn chương

Tuấn Kiệt - Minh Quang (ghi) 10/07/2015 06:00

Ngày 9/7, Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX đã khai mạc tại Hà Nội với 539 đại biểu trên toàn quốc về tham dự. Tại Đại hội này, có rất nhiều vấn đề nóng của văn học nước nhà sẽ được bàn bạc, thảo luận. Những người cầm bút gửi tới đại hội những tâm tư, khát vọng cháy bỏng; những kỳ vọng về một sự thay đổi ngoạn mục trong hoạt động sáng tác, định hướng sáng tác văn học, kể từ Đại hội lần này.

Trước khi Đại hội chính thức diễn ra, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đại hội lần này có sự đổi mới trong khâu tổ chức nhân sự Ban chấp hành Hội, mà theo cách gọi của nhà văn Hữu Thỉnh thì đó là “cấu trúc hình quả trám”. Theo cơ cấu, 30% số ủy viên Ban chấp hành Hội có tuổi từ 60 trở nên, 30% từ 50 tuổi trở xuống và phần lớn hơn là độ tuổi từ 50 -60 chiếm 40%. Đây là một cấu trúc hợp lý và phản ánh xu thế cũng như sự cần thiết cho sự phát triển của văn học trong những năm tới.

Bên lề Đại hội, PV Báo Đại Đoàn Kết đã ghi lại ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ:

Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Kỳ vọng sự đột phá chất lượng văn chương

Nhà thơ Nguyễn Thành Phong: Tôi có 3 mong muốn

Thứ nhất, theo tôi là phải trẻ hóa đội ngũ Ban chấp hành. Tôi mong muốn BCH khóa mới sẽ có nhiều gương mặt mới, nhất là đại diện của lớp trẻ.

Thứ hai là phải đổi mới mạnh mẽ tờ báo Văn nghệ. Có thể với báo giấy đã lạc hậu, nhưng phải có một tờ báo điện tử cho báo Văn nghệ. Văn nghệ là nhu cầu rất lớn của công chúng nếu như anh biết làm. Cái đó bắt buộc là những người làm báo, những nhà báo chuyên nghiệp chứ không phải là chỉ đơn thuân là viết văn thì mới có thể khai thác được.

Thứ ba, về chất lượng hội viên với câu chuyện ì xèo kết nạp hội viên, theo tôi kết nạp hội viên chưa thoáng hơn, người ta có tác phẩm người ta say mê là được chứ hiện nay các quy định chặt quá thế nên mới có ì xèo, kết nạp như ban ơn cho nên là nhiều khi những người có tài năng thực sự chưa chắc họ đã muốn vào vì cảm thấy thực sự khó khăn. Chính người tài năng ít, không xứng đáng thì họ lại “chạy” mạnh. Cái chính là nếu anh làm dân chủ hơn, mở rộng hơn thì nó sẽ liên kết tất cả hội viên.

Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Kỳ vọng sự đột phá chất lượng văn chương - 1

Nhà văn Phùng Văn Khai: Đội ngũ sáng tác trẻ nhiều, nhưng chất lượng chưa cao

Sáng tác văn học, theo tôi là một quá trình luôn tự đổi mới và làm mới mình. Mới ở đây nên hiểu là phong cách, với tiểu thuyết có thể hiểu là thi pháp. Thi pháp tiểu thuyết ở Việt Nam dường như chưa được các nhà văn chú trọng đúng mức. Đã có một thời gian khá dài vấn đề thi pháp không được đặt ra như một vấn đề hàng đầu của sáng tác. Đã là những sáng tác văn học thì vấn đề thi pháp phải được nhà văn ưu tiên hàng đầu.

Một điều tôi muốn nhắc đến nữa là nền tảng triết học, tư tưởng triết học của tác phẩm phải được đặt ra ráo riết đồng thời là phấn đấu không biết mệt mỏi của mỗi nhà văn trong sáng tác. Tác phẩm được viết ra phải từ những dằn vặt, chiêm nghiệm, suy nghĩ đến cùng về một vấn đề. Còn hiệu quả mà nó mang lại đôi khi nằm ngoài chủ quan của tác giả cũng là một quy luật thông thường của văn học.

Tư cách tác giả, tôi suy nghĩ, tác phẩm văn học, đặc biệt là tiểu thuyết trước hết và trên hết phải phản ánh hiện thực. Hiện thực phải là thứ hiện thực đã được chưng cất kỹ lưỡng từ cuộc sống. Những nhân vật, tình tiết, hình ảnh, kết cấu… của tác phẩm nếu được lấy từ chính cuộc sống đang diễn ra hôm nay sẽ có sức nặng và cơ hội thành công cao. Sự thành công hay chưa thành công của một tác phẩm đối với mỗi nhà văn đôi khi phải cần đến một khoảng thời gian nhất định. Nhiều tác phẩm có chất lượng nhưng lại có lối tiệm cận độc giả khá lặng lẽ nên vì thế cần có thời gian chăng?

Công cuộc Đổi mới đã diễn ra được 30 năm, đội ngũ các nhà văn trong đó có các nhà văn trẻ luôn trăn trở, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam. Đó là những thành quả đáng tự hào của các nhà văn nhưng nhiệm vụ phía trước, nhất là đối với các nhà văn trẻ là rất nặng nề. Khó khăn đến từ nhiều phía: Áp lực của tình hình kinh tế và thông tin mạng. Thị trường văn học dường như bị thu hẹp. Xu hướng giải trí phi văn học chiếm lĩnh, len lỏi mọi ngóc ngách, nhu cầu, thời gian của con người. Còn nhiều lí do khác nữa khiến các nhà văn ngày càng gặp khó khăn trong sáng tác và công bố tác phẩm. Điều đó dẫn đến tác phẩm dẫu nhiều nhưng chất lượng chưa cao, ảnh hưởng xã hội chưa rộng.

Sáng tác văn học của các nhà văn trẻ đang đứng trước nhiều thách thức mà không ít thách thức từ chính phía các nhà văn. Sự dấn thân, đức hi sinh, tinh thần bền bỉ, kiên định của các nhà văn trẻ còn yếu, manh mún, thụ động cũng là những trở lực lớn trong việc sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị.

Cuộc sống của nhân dân ta đang thay đổi từng ngày. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định nhưng các tác phẩm văn học của chúng ta viết về nhân dân mình, Tổ quốc mình còn chưa tương xứng. Đó cũng là trách nhiệm nặng nề của mỗi nhà văn nhất là các nhà văn trẻ.

Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Kỳ vọng sự đột phá chất lượng văn chương - 2

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Hội Nhà văn VN hãy lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ hội viên

Mỗi người chúng ta trong cuộc đời cầm bút của mình, không ai có thể nói trước được mình sẽ không gặp tai nạn nghề nghiệp trong nghề viết vì đời sống báo chí, đời sống văn chương đích thực những năm qua chính là đời sống xã hội được phản ánh ở cả mặt phải và mặt trái của nó, và cả phần nổi và phần chưa nổi của tảng băng chìm.

Điều tôi muốn nói ở đây, khi một số nhà văn gặp tai nạn như vậy thì thái độ của Hội Nhà văn VN, của Ban Chấp hành đối với họ như thế nào? Đây chính là thước đo lương tâm của nhà văn đối với đồng nghiệp của mình…

Chính vì sự động viên của những người bạn văn chương chí cốt, tôi đã ngẩng cao đầu với niềm tin phải trở về với đội ngũ những người cầm bút chân chính. Đó cũng là điều giải thích tại sao bài thơ đầu tiên tôi viết sau khi trở về là bài thơ: “Tổ quốc nhìn từ biển”. Tôi xin có một đề nghị, Ban Chấp hành Hội Nhà văn VN cần lưu tâm, quan tâm hơn nữa trong những năm tới đối với công tác hội viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai mạc Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX: Kỳ vọng sự đột phá chất lượng văn chương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO