Ngày 8/3, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM đã khai mạc “Lễ hội áo dài TP HCM lần thứ 3 - năm 2016”. 1.000 bạn trẻ thướt tha trong tà áo dài đủ màu sắc đã hội ngộ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM và đồng diễn áo dài.
Trình diễn áo dài trong ngày khai mạc.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, năm 2015, ngành du lịch thành phố đã đón tiếp, phục vụ trên 4,6 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 55,29% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thành phố cũng đón 19,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và tổng doanh thu từ du lịch thành phố năm 2015 đã đạt trên 94.600 tỷ đồng.
Bên cạnh các lợi thế về du lịch mua sắm, du lịch kết hợp hội chợ - hội nghị, thăm người thân, việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống được du lịch thành phố tập trung khai thác, đầu tư. Lễ hội áo dài TP HCM là một trong các hoạt động như thế. Năm 2016, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động quy mô lớn, phong phú hơn về nội dung và hình thức. Mỗi nội dung sẽ tạo những nét chấm phá duyên dáng cho bức tranh đẹp về chiếc áo dài Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng.
Tại lễ khai mạc, ngoài hoạt động đồng diễn áo dài, BTC còn có khá nhiều chương trình khác phục vụ người dân và du khách: trang trí nón lá, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, viết thư pháp, trưng bày, bán giảm giá áo dài, các phụ kiện đi kèm áo dài, triển lãm áo dài…
Nhằm làm nổi bật nét đẹp và giá trị sử dụng của áo dài, một cuộc vận động rộng rãi đến toàn thể người dân và du khách tại TP HCM về việc mặc áo dài trong suốt tháng 3/2016 đã được triển khai. Hưởng ứng cuộc vận động, rất nhiều các đơn vị công lập lẫn ngoài công lập đều thấp thoáng bóng áo dài của các nữ cán bộ, công nhân viên.
Cũng trong ngày 8/3, tại Nhà văn hóa Thanh niên thành phố còn có chương trình nghệ thuật “Áo dài – vẻ đẹp bất tận” biểu diễn, giới thiệu các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế. Tại số 77 Nguyễn Huệ (Q.1), Bảo tàng Áo dài khai mạc trưng bày bộ sưu tập áo dài qua các thời kỳ.
Với chủ đề “Áo dài Việt Nam – Kiểu dáng từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 21”, Bảo tàng Áo dài giới thiệu đến khách tham quan những hiện vật áo dài đẹp và cung cấp những mẫu áo dài xưa được Bảo tàng Áo Dài phục chế để du khách đặt may. Tại triển lãm, lần đầu tiên, Áo Long Bào Hoàng Thái Tử của Hoàng Đế Bảo Đại mặc khi lên ngôi năm 1926 do nghệ nhân Vũ Văn Giỏi phục chế cũng được trưng bày, giới thiệu đến công chúng…
Sau lễ khai mạc, hàng loạt hoạt động khác được tổ chức trên nhiều địa điểm của thành phố và kéo dài đến hết tháng 3/2016: Thi duyên dáng áo dài, triển lãm áo dài, thi ảnh “Duyên dáng áo dài”, thi vẽ áo dài trên giấy, thi thiết kế áo dài dành cho sinh viên, thi kết hoa trên áo dài với sự tham gia của 40 nhà tạo mẫu hoa Việt Nam và quốc tế.
Rất nhiều hoạt động mua sắm dành cho du khách đến thành phố cũng được tổ chức thông qua hình thức vận động các nhà may, doanh nghiệp, trung tâm thương mại giảm giá may áo dài, may áo dài lấy ngay, giảm giá bán vải may áo dài, các phụ kiện, trang sức đi kèm áo dài trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.