Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh:Hoàng Long.
Dẫu bức tranh kinh tế có khá nhiều màu sáng, song thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn đề nghị cần tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, tăng cường giám sát bảo đảm triển khai hiệu quả nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Lạm phát được kiểm soát
Thay mặt Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Dù thu từ dầu thô giảm mạnh, nhưng theo người đứng đầu Chính phủ thì, thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước.
Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển; đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng
Nhấn mạnh trên cơ sở đạt được 9 tháng đầu năm 2015 và phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong những tháng cuối năm, trong 14 chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Đưa ra phương hướng và nhiệm vụ giải pháp trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2016, Thủ tướng đưa ra các mục tiêu như: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước; tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt được những mục tiêu đó, theo Thủ tướng, cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
“Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban trình bày, bày tỏ quan điểm đồng tình với Báo cáo của Chính phủ khi trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu tiếp tục giảm và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền, tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt, nhưng với chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế cao nhất so với các năm của Kế hoạch 5 năm, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp.
Tuy nhiên Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 dự kiến chỉ đạt 5,88%/năm thấp hơn giai đoạn trước và không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp tăng trưởng chỉ ở mức 24-25%, năng suất lao động Việt Nam so với một số nước Đông Nam Á như: Singapore chỉ bằng 1/18, Malaysia bằng 1/6,5, Thái Lan bằng 1/2,7.
Tốc độ tăng của khu vực dịch vụ sụt giảm trong hai năm gần đây: Năm 2014 tăng 5,96% và năm 2015 tăng khoảng 6,4% thấp hơn mức 6,56% của năm 2013; chất lượng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có huyện, có xã còn hộ nghèo chiếm đến 50%...
Trước các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong năm 2016, ông Giàu cho biết, đa số ý kiến tán thành với các nhóm giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường.
Cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu Chiều 20/10, Quốc hội đã thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016. Báo cáo thẩm tra do ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, thu từ dầu và khí hụt lớn so với dự toán. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô hụt khoảng 32.000 tỷ đồng, thu nội địa giảm khoảng 12.000 tỷ đồng. Dù nhận định công tác quản lý và thu thuế năm 2015 có nhiều tiến bộ, Tuy nhiên, theo UB Tài chính- Ngân sách, tỷ lệ nợ đọng thuế vẫn còn cao, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra phức tạp. “Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, mặc dù tổng thu NSNN năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách Trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách nhà nước”. Nhóm PV |