Ngày 30/1/2017, Hoa Kỳ đã có thư gửi các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thông báo chính thức rút khỏi Hiệp định này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi chủ trì họp báo về TPP. Ảnh: TTXVN.
Với tư cách là nước chủ nhà APEC, Việt Nam đã phối hợp với Nhật Bản và các nước khác để duy trì TPP. Sau một năm trao đổi hết sức khẩn trương, các nước đã đạt được bước tiến đột phá về TPP tại cuộc họp cấp Bộ trưởng tổ chức bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Các nước cũng đã thông qua tên gọi mới của Hiệp định gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thống nhất các nội dung cơ bản của Hiệp định này.
Trên cơ sở đó, các nước đã kết thúc toàn bộ nội dung đàm phán còn lại vào cuối tháng 1/2018. Hiện nay, các nước đang hoàn tất các thủ tục trong nước để có thể tiến hành ký kết Hiệp định trong tháng 3/2018 Việt Nam đang phối hợp với các nước để hoàn thành thủ tục trong nước và tham gia ký kết theo lộ trình trên.
Để hiểu rõ hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với phóng viên nhằm đánh giá những mặt tích cực và khó khăn khi thực thi Hiệp định CPTPP.
Hiệp định sẽ tác động toàn diện
- Thưa Bộ trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những cơ hội như thế nào nếu CPTPP được ký kết và doanh nghiệp ngành nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Những tác động tích cực của CPTPP là tương đối toàn diện. Tất cả những khuôn khổ hội nhập nào đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại.
Tuy nhiên, để đánh giá về CPTPP, tôi xin được trích dẫn một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so sánh giữa TPP-12 và CPTPP. Bản nghiên cứu đã đánh giá sơ bộ về những tác động tới tăng trưởng GDP, hoạt động xuất nhập khẩu, các lĩnh vực kinh tế ngành và xã hội.
Cụ thể, nếu như TPP-12 với sự tham dự của Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ là một nước được hưởng lợi nhiều nhất, trên khía cạnh thu hút đầu tư, hiệu quả trong tăng trưởng của xuất nhập khẩu cũng như một số đóng góp ở các khía cạnh khác. Dẫn đến tăng trưởng giá trị gia tăng của chỉ số GDP mà Việt Nam được hưởng lợi vào năm 2030 sẽ là 3,3%.
Còn đối với CPTPP, cũng dựa trên những đánh giá đó, chỉ số kể trên vào năm 2030 là 1,1%. Với cách hiểu là chưa có những thay đổi về năng suất lao động cũng như yếu tố tổng hợp trong công tác triển khai năng suất lao động.
Điều đó cho thấy rằng, chúng ta được lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện và công việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách của chúng ta để hướng tới tăng trưởng bền vững và hướng tới những nhân tố tổng hợp có tính tích cực tạo ra giá trị gia tăng của kinh tế. Đó mới là những yếu tố quyết định.
Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào quan thuế, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý Nhà nước về phát triển thị trường. Chúng ta còn hàng loạt các lĩnh vực khác, bao gồm truyền thống và phi truyền thống, đều có các cam kết.
Ví dụ, sở hữu trí tuệ hay mua sắm công, những lĩnh vực truyền thống, trong nội dung của CPTPP, chúng ta có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác.
Với những lĩnh phi truyền thống như điều kiện lao động và môi trường của người của lao động, những nội dung liên quan tới công đoàn, cũng đòi hỏi những cam kết và cải cách mạnh mẽ.
Khi chúng ta thực thi những cam kết hội nhập này thông qua một môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được hoàn thiện theo hướng công khai, minh bạch và thuận lợi hóa... chắc chắn năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp và sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.
Như vậy, những điều kiện của Việt Nam trong công cuộc tiếp cận thị trường thế giới cũng như việc hưởng lợi từ những thị trường này là những thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực cụ thể của quản lý Nhà nước, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh, thì điều kiện để chúng ta thu hút đầu tư, có những nguồn lực từ bên ngoài, sẽ được cải thiện nhanh chóng trong thời gian tới.
Riêng năm 2017, thu hút đầu tư của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục là 36 tỷ USD. Dự đoán, nếu như Hiệp định CPTPP hay những khuôn khổ hội nhập khác, trong đó có hiệp định Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được thông qua, ký kết và đi vào cuộc sống sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột biến về hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Đây chính là điều kiện nữa để chúng ta tiếp tục nguồn lực phục vụ cho đầu tư, phát triển, tiếp tục tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đặc biệt là trong việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh có hiệu quả và gắn với những chuỗi cung ứng của toàn cầu.
Và như vậy, doanh nghiệp của chúng ta có những điều kiện trong việc có thêm những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển và tiếp cận dòng chảy công nghệ, lao động chất lượng. Điều này sẽ giúp cải thiện năng lực của doanh nghiệp Việt Nam nâng cao trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: TTXVN.
Khai thác được nguồn lợi phụ thuộc vào doanh nghiệp
- Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất lớn, vậy đâu sẽ là khó khăn mà doanh nghiệp trong nước sẽ gặp phải khi thực thi hiệp định này, thưa Bộ trưởng?
Có thể thấy, việc tổ chức, sự chuẩn bị của chúng ta thực hiện như nào, thái độ tích cực và chủ động của doanh nghiệp đối với Hiệp định CPTPP là rất quan trọng.
Trong thời gian vừa qua, năng lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng lên với tốc độ cao trong việc tiếp cận thị trường thế giới, củng cố vị thế Việt Nam là một nền kinh tế mở và hàng loạt sản phẩm của Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, với quy mô phần lớn doanh nghiệp là nhỏ và vừa, câu chuyện khai thác nguồn lợi từ Hiệp định CPTPP hoàn toàn không đơn giản nếu như doanh nghiệp vẫn giữ thái độ hay cách tiếp cận thụ động, thiếu tích cực.
Chính vì vậy, vai trò của Nhà nước trong việc giúp doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của cơ hội cũng như sức ép trong quá trình tiếp cận với thị trường trong khuôn khổ của Hiệp định CPTPP là vô cùng cần thiết.
Vai trò của Nhà nước trong một chương trình hành động tổng thể thực thi các cam kết của Hiệp định này nếu như chúng ta hoàn tất quá trình ký kết trong thời gian tới sẽ là yếu tố sống còn trong việc để chúng ta khai thác cơ hội từ Hiệp định này cũng như để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Những lĩnh vực, ngành hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ Hiệp định, có thể kể đến như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, các ngành đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia…
Còn những ngành khác, không phải không có lợi ích mà nó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị, cho việc tái cơ cấu lại nền kinh tế, đảm bảo được hiệu quả cao hơn về cơ hội của Hiệp định này.
Tôi muốn nhấn, sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của các doanh nghiệp mới là ý nghĩa then chốt, đảm bảo hội nhập thành công của các doanh nghiệp.
Tập trung cải cách thể chế
- Vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để giảm thiểu những tác động cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp?
Bộ Công Thương, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã xây dựng được những đề án cụ thể để đảm bảo tiến trình đàm phán, ký kết, tham gia các hoạt động và đều có báo cáo kịp thời trong quá trình tham vấn, lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp, của các tổ chức chính trị xã hội, người dân.
Đảm bảo cho chúng ta có tiến trình hội nhập, quá trình đàm phán và tham gia hội nhập, gắn và phù hợp đối với chiến lược phát triển bền vững của chúng ta.
Thế nhưng trong quá trình thực thi cam kết hội nhập cần làm tốt hơn cần làm tốt một số vấn đề đã phân tích ở trên.
Việc đầu tiên đối với Hiệp định CPTPP, cũng như các hiệp định khác đã ký kết và phê chuẩn thời gian tới, yếu tố quan trọng nhất, đó là phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của đất nước, của nền kinh tế, để chuẩn bị cho việc thực thi các cam kết hội nhập.
Đối với CPTPP, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước khi ký kết. Sắp tới chúng tôi sẽ trình kế hoạch hành động này lên Chính phủ, để ngay sau khi có hiệu lực thì chương trình hành động rất tổng thể và toàn diện này, có sự tham gia của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân.
Ngoài ra, yếu tố rất then chốt và quan trọng là việc rà soát, pháp lý, về “nội luật hóa” những cam kết hội nhập của chúng ta trong khuôn khổ hiệp định này, có thể nói là rất nặng nề, bởi nó có tính toàn diện, động chạm tới toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ phải làm liên tục ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về Hiệp định cũng như về chương trình hành động, xác định rõ nhiệm vụ để có sự tham gia, mang tính chủ động. Yếu tố tham gia mang tính chủ động là then chốt cho sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp, và cả đảm bảo cho sự thành công của nền kinh tế khi hội nhập.
Cuối cùng, những nỗ lực của Chính phủ để tiếp tục cải cách, cải cách thể chế, khuôn khổ luật pháp liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như các hoạt động về dịch vụ cho xã hội.
Năm 2018, chúng ta sẽ chứng kiến hiệp định được ký kết và sẽ sớm được thông qua vào dịp giữa năm hoặc cuối năm. Như vậy, Hiệp định này sẽ phát huy được ý nghĩa, vai trò của nó, tạo động lực cho phát triển, phát triển bền vững và thực hiện được mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển 5 năm 2016-2021.
Với nỗ lực chung của Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, chắc chắn sẽ tạo ra những tiền đề để cho người dân và doanh nghiệp thụ hưởng được những thuận lợi, cũng như có biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn.