Kinh tế

Khai thác tiềm năng ngành rau quả

Khanh Lê 21/02/2024 08:26

Nguồn lực ngành hàng rau, quả của Việt Nam là rất lớn, trong khi kim ngạch xuất khẩu mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của thế giới. Vấn đề là cách nào khai thác tốt các tiềm năng?

anhbaitren(3).jpg
Xoài hạt lép của huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tín hiệu tích cực đầu năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan, trị giá xuất khẩu tháng 1/2024 đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 01/2023. Đây là tín hiệu tốt cho ngành rau quả trong năm 2024.

Thực tế ngay trong tháng 1 của năm 2024, các doanh nghiệp (DN) đã nhận hàng loạt đơn hàng xuất khẩu rau quả đến các thị trường lớn. Điển hình như lô xoài tượng da xanh của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Australia. Mới đây nhất, ngày 15/2, tại Hải Dương, Công ty CP Ameii Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu tiên của năm sang thị trường Nhật Bản. Tiếp đến ngày 19/2, tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài hạt lép sang thị trường Hàn Quốc.

Tại lễ công bố còn diễn ra việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ xoài (xoài tượng da xanh), xoài hạt lép lâu dài giữa hợp tác xã với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Đặc biệt là Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty TNHH đầu tư và phát triển thương mại Tín Tâm cùng ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết tiêu thụ 500 tấn xoài hạt lép và cung ứng vật tư đầu vào cho các thành viên hợp tác xã trong năm 2024. Năm 2023 Xoài là loại quả mang về kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 5 sau sầu riêng, thanh long, chuối và mít.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Mười, năm 2024 có thể là năm đột phá của ngành hàng trái cây, khi nhiều mặt hàng đã nhận được tín hiệu tốt từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc, EU… Điều đáng nói, dư địa của hầu hết các thị trường này đều rất lớn, mở rộng cánh cửa xuất khẩu cho trái cây Việt Nam.

Hiện, trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn. Điều này một lần nữa khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu, với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 - 6,5 tỷ USD.

Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc... tiếp tục gia tăng.

Xây dựng chuỗi giá trị

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyễn cho biết, năm 2024, ngành hàng rau, quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 15 - 20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện tại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các DN triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả.

Theo ông Nguyễn Khắc Huy - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Long An, thị trường rau quả Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn song muốn tăng trưởng tốt thì phải mở cửa nhiều mặt hàng ra thị trường.

Không thể phủ nhận xuất khẩu rau quả đang có những tín hiệu tích cực nhưng thực tế cho thấy, thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức không không phải không có khi thị trường châu Âu (EU) nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới 150 tỷ USD, thế nhưng thị phần của Việt Nam chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU.

EU là thị trường đứng hàng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Hiện các DN vẫn tìm cách đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang EU để tận dụng tối đa lợi thế về hàng rào thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đây là thị trường khá quan trọng, nếu DN nào xuất khẩu được vào thị trường này thì sẽ dễ dàng xuất khẩu được sang thị trường khác. Trong tương lai, sẽ nếu các DN đầu tư thêm về công nghệ, kỹ thuật bảo quản tốt hơn, có sản phẩm tốt hơn thì có nhiều cơ hội tăng thị phần tại thị trường EU.

Theo ông Nguyên, khi muốn xuất qua thị trường này, thì các sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn châu Âu và chứng chỉ quốc tế như rau quả phải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Đặc biệt, trước khi xuất khẩu sang EU, DN cần tập trung kiểm nghiệm, kiểm soát về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để tránh việc hàng sang đến nơi bị phát hiện và phải tiêu hủy hoặc trả về. Có như vậy, mới vượt qua hàng rào kỹ thuật để vào thị trường này.

Để xây dựng thương hiệu cho rau quả Việt trên thị trường thế giới theo ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, cần xây dựng chuỗi giá trị. Khi xây dựng được chuỗi giá trị sẽ bình ổn được giá cả đầu vào và đầu ra. Do vậy, người nông dân và đặc biệt là DN phải tiên phong lo đầu vào, đầu ra cho nông dân.

Trái cây Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn. Điều này một lần nữa khẳng định chất lượng của trái cây Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu, với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng rau quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 tỷ - 6,5 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai thác tiềm năng ngành rau quả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO