Hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu thuê đòi nợ là những khoản vay họ rất khó thu hồi. Song, vì có không ít công ty đòi nợ thuê hoạt động biến tướng theo kiểu xã hội đen, gây mất an ninh trật tự xã hội nên ngành nghề này đã bị TP HCM cấm.
Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh tuyên bố, tới ngày 1/1/2021 sẽ “xóa sổ” toàn bộ các công ty đòi nợ thuê đang hoạt động trên địa bàn. Thực ra đây chỉ là bước hiện thực hóa Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 6 vừa qua, nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng cho người dân TP HCM. Bởi lẽ, đôi khi trong thực tế có những điều dù được luật hóa nhưng chưa chắc đã được triển khai thực thi nghiêm túc.
Nói là người dân TP HCM không hề ngoa, bởi lâu nay một trong những vấn nạn nhức nhối về an ninh trật tự chính là việc nhiều công ty dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng thành các ổ nhóm cho vay nặng lãi, hoạt động theo kiểu xã hội đen có các hành vi vi phạm pháp luật. Để có thể hoàn tất hợp đồng đã ký với chủ nợ, các công ty đòi nợ thuê không từ thủ đoạn nào, dù vi phạm pháp luật để đòi cho bằng được nợ.
Bởi thế, trên thực tế đã phát sinh nhiều vụ việc bắt giữ người trái pháp luật, đàn áp, đánh đập, lăng nhục “con nợ”, thậm chí phong tỏa công ty, đập phá tài sản... gây áp lực buộc “con nợ” phải trả tiền. Từ đó phát sinh sự rối ren, mất an toàn xã hội, tạo ra những “điểm nóng” tại một số địa phương. Nhiều con nợ không có khả năng hoặc chậm thanh toán đã bị hành hung đến thâm tím mặt mày, thậm chí mang thương tật suốt đời.
Nói cho đến cùng, hầu hết những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi phải tìm đến với các công ty đòi nợ thuê là họ đã hết cách, không thể thu hồi khoản nợ của người vay. Và với những “con nợ” khó đòi như vậy thì những cách đòi nợ thông thường sẽ không thể mang lại hiệu quả. Ấy vậy mà các công ty đòi nợ thuê dám cam kết, ký hợp đồng khẳng định chắc chắn sẽ đòi được nợ thì dĩ nhiên họ phải có “cách riêng đặc biệt”.
Và cái cách của hầu hết các công ty đòi nợ thuê là gì? Sẽ là “tiên lễ hậu binh”, nghĩa là đến ngọt nhạt trước, sau đó sẽ tiến thêm một bước là hạ nhục, sai người ném chất bẩn vào nhà riêng và công ty của con nợ. Cuối cùng, họ sẽ thực hiện việc hành hung dằn mặt, nếu vẫn không được thì sẽ bắt về buộc phải viết giấy cam kết trả nợ, hoặc yêu cầu gia đình mang tiền đến chuộc như một vụ bắt cóc con tin đích thực.
Nếu không làm những việc như vừa kể trên, tin rằng hầu hết các công ty đòi nợ thuê sẽ phá sản, hoặc là do phải bồi thường hợp đồng cho chủ nợ, hoặc là không đủ thu nhập để chi trả lương, thưởng cho nhân viên. Các cụ xưa chẳng từng nói “bần cùng sinh đạo tặc” đó sao? Để đảm bảo sự phát triển, duy trì được đời sống của nhân viên, các công ty đòi nợ thuê không ngần ngại giở mọi thủ đoạn, dù vi phạm pháp luật để đòi các khoản nợ.
Biết trước được mọi việc sẽ diễn ra như vậy, có lý nào lại vẫn cho tồn tại nghề đòi nợ thuê? Một khi vẫn coi đây là một ngành nghề hợp pháp, chúng ta phải chấp nhận một thực trạng là sẽ còn tiếp tục xảy ra những vụ vi phạm pháp luật, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó là lý do Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đã đưa loại hình kinh doanh dịch vụ này vào “danh mục cấm”.
Vẫn biết, khi cấm hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê, nhân viên các công ty đòi nợ thuê sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề. Song, sự khó khăn tạm thời, trước mắt của một thiểu số người đổi lấy sự đảm bảo tốt về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng là cái giá xứng đáng. Vì thế, ngay sau khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), dư luận xã hội đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối.
Tuy nhiên, để có thể “ngay và luôn” hiện thực hóa quy định này của luật, trong khi trên cả nước có rất nhiều công ty đòi nợ thuê đang hoạt động cũng không phải là điều đơn giản. Vì thế, các địa phương vừa phải có thái độ cương quyết, nhưng đồng thời cũng phải có lộ trình và những giải pháp hợp lý để dần xóa sổ các công ty hoạt động kiểu này. Không nên nóng vội, nhưng cũng đừng quá “nhẩn nha”, nếu không sẽ đều hỏng việc.
Và để có thể xóa sổ toàn bộ các công ty đòi nợ thuê vào ngày 1/1/2021, TP HCM đang thực hiện phương án vừa “rắn” nhưng cũng lại “mềm”, nghĩa là cương quyết không để tồn tại loại dịch vụ này, nhưng cũng đề ra lộ trình hợp lý từ nay đến hạn chót. Công an TP HCM sẽ là lực lượng chủ công phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện để hướng dẫn, thực hiện việc giải tán các công ty đòi nợ thuê. Tin rằng, với quyết tâm đó, TP HCM sẽ thực hiện được đúng lộ trình đã vạch ra.