Theo lời từ một cuốn sách hướng dẫn vào năm 1934 "chỉ có những con quỷ mới chơi golf được ở nơi này".
Trên thực tế, "sân golf của quỷ" vốn là một chảo muối lớn nằm trong sa mạc Mojave thuộc vườn quốc gia của Thung lũng Chết phía đông California (Mỹ). Với chiều rộng trải dài khoảng 71 km, địa danh này là một trong những điểm đến chứa nhiều bí mật gây bất ngờ ở Mỹ.
"Chảo muối" khổng lồ này vốn trải dì từ khu vực lân cận Ashford Mill đến Salt Creek Hills. Các chuyên gia cho biết, "sân golf của quỷ" vốn được hình thành sau quá trình bốc hơi của nước tại một hồ nước từng bao phủ khắp thung lũng.
Đặc điểm ấn tượng của chảo muối đó là có hình răng cưa kỳ lạ. Trong một cuốn sách mang tựa "National Park Service" xuất bản năm 1934 có đề cập tới chi tiết "chỉ có những con quỷ mới chơi golf được ở nơi này". Chính từ điều này, chảo muối kỳ lạ trở nên nổi tiếng và còn biết tới với tên gọi "Devil's Golf Cours" (Sân golf của quỷ).
Khoảng 150.000 năm trước, chảo muối ngày nay vốn là một hồ lớn và sâu do tuyết từ các sông băng tan chảy xuống. Đó là hồ Manly với độ sâu gần 200 m. Trong thời kỳ này, phần lớn muối xâm nhập vào các khu vực.
Tới cuối kỷ Băng Hà cuối cùng (khoảng 10.000 năm trước), biến đổi khí hậu đã bắt đầu thời kỳ bốc hơi làm khô cạn nước trong hồ. Chỉ một thời gian sau trong khoảng 2.000 đến 4.000 năm, khí hậu trở nên ẩm ướt hơn khiến một hồ nước nông khác được hình thành. Lần này, chảo muối ngập tới độ sâu khoảng 9 m.
Tuy nhiên, khi khí hậu ấm trở lại cùng lượng mưa sụt giảm khiến các hồ khô cạn dần. Nước bốc hơi, các khoáng chất hòa tan trong hồ ngày càng cô đặc, để lại vũng mặn dày ở tầng thấp nhất của Thung lũng Chết.
Trải qua suốt hàng ngàn năm với nhiều biến động từ tự nhiên khiến diện mạo của nơi này dần được hình thành và biến đổi như ngày nay, qua đó tạo nên "tác phẩm điêu khắc" tuyệt vời của thiên nhiên. Những tháp nhọn của chảo muối phát triển rất chậm, chỉ vài cm trong suốt 35 năm. Nhưng nhờ mưa gió liên tục đã tạo muôn vẻ kỳ thú.
Được biết, "sân golf của quỷ" vốn là một phần chảo muối ở Thung lũng chết và nằm cách mực nước lũ chừng vài mét. Nếu không bị nước lũ cuốn trôi thì lớp bùn muối ở đây trông sẽ kỳ quái hơn rất nhiều.
Ngày nay, địa danh này vẫn tồn tại như chính vẻ "kỳ quặc" của nó, nhưng lại thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và du khách. Không ít người muốn tới đây để chiêm ngưỡng nhiều điều kỳ thú không đâu có được.