Nằm trong chương trình hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, trong 2 ngày 18/2 và 25/2, tại Rạp Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), vở “Quẫn” do NSƯT Trần Lực làm đạo diễn sẽ chính thức công diễn. Nhân dịp này, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với NSƯT Trần Lực.
NSƯT Trần Lực.
PV:Thưa ông, vốn là con nhà nòi của ngành sân khấu, nhưng đây mới là lần đầu tiên ông chính thức góp mặt với vai trò đạo diễn sân khấu. Vậy vở kịch “Quẫn” sẽ có gì đặc biệt?
NSƯT Trần Lực: Nội dung cơ bản của vở diễn “Quẫn” được chuyển tải theo kịch bản hóm hỉnh, hài hước sâu cay của nhà viết kịch Lộng Chương.
Tuy nhiên, “Quẫn” phiên bản Trần Lực sẽ được kể theo lối mới. Ở đó, khi khán giả xem vở diễn sẽ là những câu chuyện không chỉ là sự nhắc lại mà còn truyền thông điệp cảnh báo và định hướng lối sống cho người trẻ.
Khi dựng vở diễn chúng tôi đã chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Sân khấu mở ra tối giản hết mức, có lúc không thấy đạo cụ gì, có lúc chỉ là một chiếc hòm ở trung tâm.
Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra “tâm” của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau.
Toàn bộ vở diễn tập trung vào diễn viên là những bạn trẻ thế hệ 9X, kể câu chuyện hài kịch từ nửa thế kỷ trước.
Đó là chuyện về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán.
Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...
Với việc lựa chọn dàn diễn viên là các học viên đang học tại Đại học Sân khấu Điện ảnh, ông nghĩ mình có quá mạo hiểm?
- Vở diễn “Quẫn” hoàn toàn do các bạn sinh viên đang học năm 4 Đại học Sân khấu Điện ảnh trình diễn. Ban đầu, tôi cũng hết sức lo lắng là dàn diễn viên trẻ không ngôi sao và vở kịch được tôi dựng với phong cách bi hài chứ không chỉ thuần hài.
Nhưng buổi diễn chật kín khán giả, kết thúc rất lâu mà người xem vẫn nán lại chia sẻ đầy tâm đắc. Hơn cả là với các giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 đã chứng minh được tất cả.
Ông Đại Cát do Trương Mạnh Đạt đóng (đoạt giải vàng) hiện rõ bộ mặt “yêu” tiền, yêu của cải đến cả trong mơ cũng thèm thuồng, rồi rũ bỏ hết cả vỏ bọc giả tạo, phát cuồng lên khi hòm vàng cất giấu giữa nhà biến mất...
Tất cả các vai người xem không tìm thấy sự gượng ép, không cảm giác họ “khoác áo rộng” mà hòa nhập, thăng hoa trong từng nhân vật.
Cảnh trong vở “Quẫn”.
Sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu kịch nói riêng vốn trước nay không còn nhiều sức hút. Giới thiệu vở diễn này, ông có những kỳ vọng gì về thị trường sân khấu?
- Tôi không phủ nhận sân khấu truyền thống hiện nay do sự cạnh tranh quá lớn của các loại hình nghệ thuật hiện đại, đang dần bị lép vế.
Nguyên nhân có lẽ chính là việc xử lý kịch bản “cũ” phải làm sao thích ứng với bối cảnh xã hội thực tế đang đặt ra nhiều thách thức.
Như với “Quẫn”, một tác phẩm được viết từ những năm 1959 -1960, thầy trò chúng tôi nhìn bằng con mắt mang tính thời đại bây giờ, bằng quan điểm của những con người thời đại này nhìn về thời đấy.
Còn phong cách, tôi muốn hướng theo phương pháp ước lệ. Tôi thấy rằng, sân khấu làm theo hướng này ở nước ta không nhiều, nếu không muốn nói rằng đếm trên đầu ngón tay thôi.
Ước lệ về không gian, thời gian, động tác của diễn viên… Hướng này yêu cầu diễn viên thể hiện có kĩ thuật biểu diễn phải tốt.
Ngoài việc nắm bắt tâm lí nhân vật, nội tâm nhân vật, diễn viên còn phải có kĩ thuật thể hiện suy nghĩ, tâm trạng nhân vật ra bên ngoài.
Nên đòi hỏi diễn viên phải giỏi. Tôi luôn muốn các em sinh viên của mình được trang bị những kiến thức về nghề để có thể “chiến đấu” ở ngoài.
Tôi dựng “Quẫn” mong các bạn có được trải nghiệm để lớn lên. Mục đích đầu tiên là thế, chứ không phải là đi dự liên hoan. Nhưng thành công đến rất bất ngờ. Tôi tin khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với sân khấu.
Trân trọng cảm ơn ông!