Nhiều ngày qua, các bệnh viện đầu ngành cũng như bệnh nhân không khỏi lo ngại tình trạng khan hiếm thuốc và thuốc chữa bệnh tăng giá do thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Nếu như “căn bệnh” thiếu thuốc, vật tư y tế không sớm được giải quyết thì chịu thiệt thòi nhất là người bệnh và gánh nặng bệnh tật, kinh tế, đời sống, xã hội sẽ ngày càng gia tăng.
Bệnh viện lớn thiếu thuốc
Là bệnh viện lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiếp nhận trên 5.000 bệnh nhân nhưng Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc, thuốc điều trị tuyến thượng thận, tim mạch và đường hô hấp. Tương tự, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương lại thiếu thuốc gây tê, là loại được dùng rất nhiều và cần thiết với chuyên ngành răng hàm mặt. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng thiếu hóa chất…
Tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế hiện nay chưa tới mức nghiêm trọng nhưng cũng đã xảy ra việc thiếu một số loại gây ảnh hưởng người bệnh. Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai được hơn 1 tuần nay vì bị rắn cạp nia cắn nhưng anh T.Q.T. (ở Bắc Ninh) vẫn trong tình trạng hôn mê và liệt nặng. Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc nên với những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy cả tháng nhưng nếu có thuốc giải độc chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.
Cũng tại Trung tâm Chống độc, các bác sĩ đang điều trị cho 2 bệnh nhi được chẩn đoán là ngộ độc asen - một loại chất rất độc. Cả 2 bệnh nhi đã được sử dụng một số loại thuốc giải độc đơn giản nhưng không may các thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều và đều gây dị ứng cho các cháu, dẫn đến không còn thuốc nào để thải asen ra khỏi cơ thể. Mặc dù có những loại thuốc hiệu quả hơn nhưng bệnh viện cũng chưa thể có ngay để điều trị cho bệnh nhân.
Liên quan tới vấn đề khan hiếm thuốc, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 778/CĐ-TTg về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh thành phố tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Trong đó, Bộ Y tế cần sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế…
Một số người bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phản ánh, khi họ có lịch truyền hóa chất theo định kỳ nhưng khi đến bệnh viện thì được thông báo loại thuốc trong danh mục được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 50% của bệnh viện đã hết và bệnh viện phải hẹn lịch truyền tới đợt khác khi có thuốc về.
Trong khi đó, tại một bệnh viện đa khoa lớn ở Hà Nội, bà Lê Thu M. (65 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị bệnh tiểu đường mãn tính và hàng tháng theo lịch hẹn của bác sĩ khám bệnh, bà M. đến bệnh viện để lấy thuốc theo BHYT nhưng đầu tháng 6 vừa khi tới việc khám định kỳ, bệnh nhân này chỉ được phát thuốc Insulin, còn một số loại thuốc hỗ trợ khác phải mua ngoài vì kho thuốc bệnh viện đã hết.
Không chỉ có tình trạng thiếu thuốc mà nhiều vật tư y tế quan trọng cũng trong tình trạng thiếu hụt, khan hiếm. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, những bệnh nhân có chỉ định mổ thay thủy tinh thể đều không thể thực hiện được vì bệnh viện không còn thủy tinh thể dữ trữ để thay cho bệnh nhân.
Do vậy ngoài việc hẹn bệnh nhân lịch mổ vào đợt khác khi có thủy tinh thể nhập về thì bệnh viện đã thực hiện điều trị bằng laze tạm thời cho những bệnh nhân mà thủy tinh thể đã bị đục. Theo một số bác sĩ, trước tình trạng này, hiện tại những vật tư nhỏ thì có thể chỉ định mua sắm trực tiếp được, nhưng những cái lớn thì bắt buộc phải chờ. Còn đôi khi vạn bất đắc dĩ quá thì phải chuyển bệnh nhân đến một cơ sở y tế khác mà họ đang có đủ vật tư tiêu hao đó để bệnh nhân được can thiệp kịp thời.
Về tình trạng thuốc tăng giá, một bác sĩ nha khoa tại Hà Nội cho biết: Nếu thuốc tê trước đây có giá khoảng 600.000-650.000 đồng/hộp, thì nay 800.000 đồng/hộp nhưng cũng không có hàng mà mua. Đơn vị cung cấp nói do chưa được gia hạn cấp phép lưu hành nên chưa thể nhập về Việt Nam được. Do loại thuốc tê thường dùng hết hàng, nên phòng khám của anh buộc phải chuyển sang sử dụng một loại thuốc tê khác (loại ít sử dụng trước đây). Loại này thường có giá 550.000 đồng/hộp mà thời điểm này cũng lên tới 700.000 đồng/hộp, vậy mà mua cũng không đơn giản.
Theo Bộ Y tế, qua tổng hợp báo cáo từ cơ sở cho thấy, có 34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo thiếu thuốc với nhiều loại, như: kháng sinh, giải độc, hướng tâm thần, tim mạch, tăng huyết áp, sốt xuất huyết, nhãn khoa... Đáng chú ý, tình trạng thiếu thuốc men không chỉ diễn ra trong vài ngày gần đây mà đã kéo dài nhiều tháng qua nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết mà còn đáng lo ngại hơn.
Bộ Y tế đã lý giải tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế kéo dài do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là tâm lý lo ngại, sợ sai phạm, không dám mua sắm, thiết bị y tế của lãnh đạo nhiều bệnh viện và địa phương, nhất là sau khi nhiều cán bộ, quan chức của ngành Y tế bị khởi tố, bắt giam do liên quan tới tiêu cực về đầu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Khó do đâu?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) nhấn mạnh, hiện nay việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. “Vấn đề đặt ra là sau “cơn bão lớn”, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một hệ thống tê liệt”, ông Hiếu quả quyết.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Dược mới đây cho thấy: sau 5 năm triển khai Luật Dược, đặc biệt là trong giai đoạn chống dịch, một số nội dung đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, có nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm tiếp cận thuốc của người dân, nhiều nơi phát sinh thiếu thuốc trong công tác khám chữa bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu thực tế: Với nội dung về gia hạn giấy đăng lý lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, chúng ta cần phải làm ngay do có hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Nếu không chắc chắn sẽ thiếu thuốc trong thời gian tới.
Còn ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Lộ trình sửa đổi Luật Dược 2016 sẽ sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, bao gồm nhiều quy định liên quan đến các tất cả các mảng như đăng ký lưu hành, sản xuất, quản lý chất lượng, bảo quản, bán buôn bán lẻ, các hoạt động liên quan đến sử dụng trong các cơ sở y tế… Đối với thủ tục để sửa đổi Luật Dược theo trình tự rút gọn, Cục Quản lý Dược đang cố gắng phối hợp với các bộ, ngành để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới, trong đó có một số điểm chính chủ yếu giải quyết ách tắc trong khâu đăng ký thuốc, gây tình trạng thiếu thuốc.
Giới chuyên gia nhận định, trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thuốc trong các bệnh viện, có nguyên nhân do cơ quan của Bộ Y tế chậm trễ trong việc gia hạn giấy phép đăng ký lưu hành thuốc. Cho đến nay, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã công bố 9.996 giấy đăng ký được tiếp tục duy trì hiệu lực đến cuối năm 2022. Mặc dù với các nỗ lực tăng cường tiến độ giải quyết hồ sơ gia hạn, bổ sung nguồn chuyên gia, đơn vị thẩm định, theo tốc độ xử lý hiện nay, trung bình 2 tháng giải quyết được khoảng 1.000 hồ sơ, vẫn có nguy cơ chậm gia hạn đối với các thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành của tháng 11 - 12 năm 2022 và các thuốc năm 2023.
Theo thống kê Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong cơ cấu chi phí khám chữa bệnh ở nước ta, chi phí thuốc men chiếm nhiều nhất tới 33% (tương đương 1,7 tỷ USD/năm). Điều đó cho thấy, nếu như “căn bệnh” thiếu thuốc, vật tư y tế không sớm được giải quyết thì chịu thiệt thòi nhất là người bệnh và gánh nặng bệnh tật, kinh tế, đời sống, xã hội sẽ ngày càng gia tăng. Để giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng, đòi hỏi lãnh đạo Bộ Y tế và các bệnh viện cần chủ động, linh hoạt và dám chịu trách nhiệm hơn trong đầu thầu, mua sắm thuốc men và vật tư y tế.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu trung ương: Cần rà soát lại hành lang pháp lý
Cán bộ quản lý sợ nên không mua thuốc, vật tư, như thế này đã 3 năm rồi. Vì họ nhận ra đã có rất nhiều vi phạm. Qua những vụ việc bị vi phạm mới nhận ra ở đây là đang thiếu đi hành lang pháp lý, nếu làm có thể xảy ra sai phạm vì thế nên họ dừng lại.
Trước mắt các cơ quan quản lý từ cấp bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, tháo gỡ ngay các khúc mắc, tạo sự yên tâm cho các cán bộ quản lý của ngành y tế triển khai các việc để có thuốc phục vụ cho người bệnh, để có hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm. Về lâu dài thì phải rà soát lại tất cả hệ thống, văn bản pháp luật đã có để kịp thời bổ sung quy định để người làm công tác quản lý trong ngành y yên tâm làm việc.
BS.TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu,đào tạo và phát triển cộng đồng: Yếu tố thương mại hóa chi phối thuốc chữa bệnh
Chuyện thiếu thuốc và vật tư y tế đã ồn ào từ giữa tháng 6. Và đến nay, sau 3 tháng vẫn chưa được giải quyết. Điều này đe dọa đến tình trạng sức khỏe của người dân. Bộ Y tế đang lúng túng trong khâu quản lý, lập kế hoạch và giải quyết tình huống thực tế. Để xảy ra tình trạng này là do hệ thống y tế công đã bị thương mại hóa, chính yếu tố thương mại hóa làm phức tạp vấn đề.
Do đó, để giải quyết vấn đề, thứ nhất cần phải đánh giá bài toán lợi ích trong vấn đề cung ứng thuốc, sinh phẩm. Thứ hai là phải chỉ ra được mục tiêu chúng ta cần đạt là gì? (đảm bảo lợi ích, đảm bảo chuyên môn cho người cung cấp dịch vụ y tế cũng như là người sử dụng dịch vụ y tế). Và thứ ba là phải đảm bảo được công bằng giữa việc duy trì chất lượng y tế với chi phí hợp lý.