Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các tỉnh miền Trung đã khẩn trương di dời người dân đang sinh sống ở các vùng xung yếu, sạt lở đến nơi an toàn để tránh bão.
Kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, cùng với các địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tiến hành phương án sơ tán, di dời 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng đến nơi an toàn. Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo.
Tại phường Thuận An (thành phố Huế) trong sáng 27/9, lực lượng chức năng đã hỗ trợ, di dời hàng trăm hộ dân đang sinh sống ở vùng xung yếu đến các trường học, nhà dân kiên cố trên địa bàn để tránh bão.
Bà Lê Thị Gạt (68 tuổi, tổ dân phố Hải Bình, phường Thuận An) cho biết, do con cái đi làm ăn xa nên hiện tại bà đang sống một mình. Sau khi được lực lượng chức năng, người dân hỗ trợ gia cố lại nhà cửa, cất dọn đồ đạc để đảm bảo an toàn, bà đã di chuyển đến đến trường THCS Thuận An để tránh bão.
Ông Đào Quang Hưng - Chủ tịch UBND phường Thuận An cho biết, để ứng phó với bão số 4, địa phương dự kiến di dời khoảng 480 hộ. Đa số người dân sẽ sơ tán đến những nhà người thân có hạ tầng kiên cố, số còn lại sẽ được đưa đến một số trường học trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Các ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu ngay giờ đầu tiên bão đổ bộ. Đặc biệt, cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét.
Tại Quảng Trị, ông Nguyễn Xuân Phương - Chủ tịch thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) cho biết, người dân chủ yếu di dời từ những ngôi nhà tạm qua nhà kiên cố để tránh trú. Cán bộ phụ trách địa bàn cũng đã đi kiểm tra mức độ an toàn tại những nhà người dân tránh trú bão.
Ông Lê Đức Thịnh - Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng thông tin, trên địa bàn huyện sẽ di dời khoảng 4.800 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Cùng với đó, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết sẽ được chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó nêu cao tinh thần chủ động của người dân.
Xe khách đến tận nhà đón dân đi tránh bão
Để chủ động ứng phó bão số 4, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.
Người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để phòng, chống bão số 4. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã chỉ đạo, đối với công tác sơ tán dân, chủ động ứng phó với các tình huống xấu và bất thường do bão số 4 gây ra, đồng thời tập trung lực lượng cho các nhiệm vụ sẵn sàng phòng tránh bão, yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thành công tác sơ tán dân.
Tính đến sáng ngày 27/9, tổng số hộ dự kiến di dời là 45.834 hộ/155.269 người. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam lực lượng chức năng đi đến từng nhà dân ở dọc ven biển Tam Thanh vận động bà con đến các trụ sở, trường học ở Trung tâm thành phố để trú bão số 4. Tại điểm trú bão ở trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam sáng 27/9, có rất nhiều người dân của xã Tam Thanh đến tránh trú, BĐBP tỉnh đã cấp chiếu, chăn mùng và nước uống, bánh mì cho người dân.
Bà Huỳnh Thị Hóa, trú xã Tam Thanh cho biết: “Ngay từ ngày 26/9 tôi cùng người thân trong gia đình đã lo chằng chống nhà cửa, gia cố lại mái nhà thật chặt. Tôi sống ở đây đã lâu rồi, từng chứng kiến nhiều cơn bão, nên biết không thể lơ là, chủ quan với thiên tai được. Trước cơn bão số 4, tôi rất lo nhưng cũng thật mừng vì đã được chính quyền TP Tam Kỳ bố trí xe khách đến tận nhà đưa đón đến nơi trú bão an toàn”.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, diễn biến cơn bão số 4 là rất phức tạp. Vì vậy trong những ngày qua, chính quyền đã chỉ đạo các lực lượng tham gia giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa và tổ chức ở xen ghép cho 1.750 hộ dân với khoảng gần 5.000 nhân khẩu. Đến sáng 27/9, tập trung quyết sơ tán dân xã Tam Thanh với số lượng khoảng 459 hộ, với gần 1.000 nhân khẩu về ở trú tránh bão an toàn.
Không chỉ người dân xã Tam Thanh mà các xã ven biển của Quảng Nam, Quảng Ngãi như huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP Hội An và huyện ven biển như Bình Sơn, huyện đảo Lý Sơn,... chính quyền địa phương cũng kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn trước khi bão, lũ xảy ra.
Sáng 27/9, Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết, mấy ngày nay, tất cả các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đã huy động 100% cán bộ chiến sĩ trực và tăng cường lực lượng xuống địa bàn tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm của cơn bão số 4 đồng thời giúp người dân chằng chống nhà cửa, vận động nhân dân đến những nơi trú tránh an toàn. Đặc biệt, tất cả các đồn biên phòng đều là địa điểm để đón nhận người dân đến trú tránh bão”.
Thời điểm này, người dân trên đảo Lý Sơn đang khẩn trương chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 4. Bà Lê Thị Tỵ, trú thôn Đông An Hải cho biết: “Sáng nay trên đảo đã có gió cấp 6, cấp 7. Chúng tôi sống nơi đầu sóng ngọn gió cũng quen với cảnh bão về. Hai hôm nay cả nhà ra biển xúc cát cho vào bao tải đem về chằng chống nhà cửa. Các chú bộ đội cũng giúp đỡ nên việc chằng chống cũng xong sớm”.
Đến thời điểm này, hàng trăm tàu cá của ngư dân neo đậu tại Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đã được lực lượng Biên phòng hỗ trợ neo buộc, gia cố. Trên đảo có 725 phương tiện tàu cá, tàu vận tải, tàu khách, cano các loại. Tất cả phương tiện đã neo đậu an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết đã cấp hơn 220 tấn gạo cho các huyện vùng cao để cấp phát cho người dân.
Sạt lở áp sát nhà dân
Suốt 3 ngày qua, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khiến nhiều nơi bị sạt lở, uy hiếp sự an toàn của người dân. Địa phương này đang khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục.
Con đường vào nhà của ông Hà Huy Chung (thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) nằm gần sông Ngàn Mọ đã bị sạt lở khá nặng. “Khoảng 22h ngày 23/9, hai vợ chồng tôi đang ngủ thì nghe tiếng động rất mạnh, chạy ra thấy cả một cụm tre bị xô ngã vì sạt lở đất. Cả cột trụ cổng của nhà tôi bị xô vẹo một bên, nền sân xuất hiện vết nứt dài. Hồi năm ngoái, lũ lên cao cũng khiến hàng rào của gia đình bị gãy đôi. Điểm sạt lở gần ngay trước cổng nhà nên chúng tôi rất lo sợ” - ông Chung nói.
Theo ông Đặng Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, ngoài điểm sạt lở ở thôn Trần Phú, trên địa bàn còn sạt lở ở 2 điểm tại thôn Thống Nhất và thôn Trung Thành. Hiện nay, địa phương đang tập trung xử lý các điểm sạt lở nhằm ứng phó với bão số 4.
Cũng là địa bàn bị sạt lở đất trong đợt mưa lớn vừa qua, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đang tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân ở gần tuyến đường tuần tra ven biển đi xã Cẩm Lĩnh đến Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) triển khai các giải pháp ứng phó trước khi bão số 4 đổ bộ.
Trên tuyến đường tuần tra ven biển (đoạn qua thôn 1, xã Cẩm Lĩnh) xuất hiện 10 điểm sạt lở với tổng chiều dài khoảng 200m. Khối lượng đất đá sạt lở khoảng 150 m3. Ngay sau khi xảy ra sự việc, huyện Cẩm Xuyên đã kịp thời kiểm tra hiện trạng và chỉ đạo UBND xã Cẩm Lĩnh thuê máy, giải phóng đất đá để đảm bảo lưu thông qua địa bàn.
Khu vực này hiện có 13 ki-ốt, quán kinh doanh, 5 trang trại chăn nuôi và 10 hộ dân sống gần kề. Sau khi có chỉ đạo của huyện Cẩm Xuyên, xã Cẩm Lĩnh nhanh chóng thông báo cho các hộ dân để chủ động di dời tài sản và người đến nơi an toàn. Xã cũng huy động các lực lượng triển khai lập 2 chốt ở 2 đầu tuyến đường, đặt các biển cảnh báo nguy hiểm để người dân không lưu thông qua tuyến đường này.
Tại huyện Nghi Xuân, tuyến kênh dài 400m sau tràn xả lũ của hồ Đồng Ván (xã Xuân Hồng) bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào vườn và nhà ở, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Trong số các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng thì căn nhà của gia đình bà Trịnh Thị Mùi (thôn 4, xã Xuân Hồng) là nguy hiểm nhất khi nằm sát tuyến kênh. Sau nhiều trận mưa lớn, các điểm sạt lở tạo thành hàm ếch khiến hai bức tường của căn nhà đổ sập, nứt toác, cột gỗ trụ nhà treo lơ lửng. Để đảm bảo an toàn, bà Mùi đã dọn tới nhà con ở tạm. Chính quyền địa phương cũng đã đặt biển cảnh báo, giăng dây quanh khu vực xảy ra sạt lở.
Trực tiếp kiểm tra tại khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu địa phương có biện pháp bảo đảm an toàn cho các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm do tình trạng sạt lở tuyến kênh sau tràn xả lũ hồ Đồng Ván; đồng thời, khẩn trương xây dựng phương án xử lý cụ thể để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Hiện nay, bão Noru mạnh cấp 14-15, tăng 3 cấp so với ngày 26/9. Từ chiều 27/9, các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa to, gió giật, lượng mưa lớn kết hợp với triều cường gây nguy hiểm tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất là gió rất to, sóng rất lớn trên biển dọc theo vĩ độ 16 độ vĩ Bắc, là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 14-15, gió giật cấp 17, sóng cao 9-11m, có thể đánh đắm tất cả các tàu thuyền, kể cả tàu trọng tải lớn.