Mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị ngập lụt nghiêm trọng, hệ thống hạ tầng giao thông bị tàn phá, hư hại nặng nề. Theo thống kê, đến ngày 24/9, trên địa bàn toàn tỉnh có tới 182 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gây ách tắc giao thông và chia cắt, cô lập tạm thời nhiều xã, huyện. Thanh Hóa đang dốc sức khắc phục các điểm sạt lở và thông tuyến...
Nhiều nơi sạt lở, chia cắt
Sau 2 ngày bị nước lũ trên thượng nguồn dòng sông Chu nhấn chìm, đến sáng ngày 24/9, mọi hoạt động giao lưu với thế giới bên ngoài của 200 hộ dân bản Mạ, thị trấn Thường Xuân, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) đang dần trở lại sinh hoạt bình thường. Chỉ 2 ngày bị cô lập bởi dòng nước lũ hung hãn cũng đã khiến người dân nơi đây rơi vào tình trạng thấp thỏm, lo lắng không yên.
Ông Vi Thanh Tiên (người dân trú tại bản Mạ) kể: Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, mực nước sông Chu đã lên rất nhanh, nhấn chìm các mố, trụ cầu. Nhưng nước lũ chỉ thực sự nhấn chìm cây cầu khi Thủy điện Cửa Đạt xả lũ cả 5 cửa đáy. Ông Tiên nhớ lại: Năm nào nước lũ cũng lên nhanh nhưng chưa bao giờ dữ dội như năm nay. Khi tôi đang chuẩn bị lấy xe máy, đi qua cầu ra trung tâm thị trấn huyện mua thêm ít nhu yếu phẩm dự trữ thì nước đã tràn mặt cầu. Cây cầu treo vững chắc là thế mà trong dòng lũ cứ rung lắc như sợi thừng nhỏ. Nước tràn mặt cầu rồi nhanh chóng dâng lút cả 2 phần chân quả đồi của bản. Bà con ai cũng lo sợ, sẵn sàng tư thế chạy lên chỗ cao hơn… Cũng may, đến sáng nay trời đã thôi mưa và nước lũ đã bắt đầu rút.
Cùng là địa phương bị cô lập khi lũ về, hàng nghìn hộ dân tại xã Tân Thành (huyện Thường Xuân) đã bị cô lập trong suốt nhiều ngày nay. Nước lũ cuồn cuộn đổ về đã cuốn phăng cây cầu Bến Nhạ trên tuyến đường duy nhất nối xã với đường Hồ Chí Minh. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với người dân, chính quyền xã Tân Thành đã phải căng dây, cắm biển cảnh báo, cấm người dân qua lại khi nước lũ còn hoành hành.
Chị Lê Thị Cành (người dân trú ở thôn 1, xã Tân Thành) cho biết: Suốt 4 ngày qua, do nước lũ cô lập, gia đình chị và nhiều hộ dân khác trong xóm đã phải tự túc thực phẩm bằng các loại thức ăn như: Cá khô, mì gói, miến... để chờ lũ rút. Nhiều gia đình không kịp chuẩn bị nhu yếu phẩm trước lũ cũng đã được bà con trong xóm san sẻ, hỗ trợ kịp thời nên không có ai bị đói. “Giờ chỉ mong nước rút nhanh để chính quyền khắc phục lại đoạn cầu bị trôi, giúp người dân chúng tôi sớm ổn định lại đời sống” - chị Cành bày tỏ.
Trong đợt mưa lũ này, Mường Lát là huyện đang gặp phải những khó khăn lớn nhất khi tuyến QL15C - con đường huyết mạch, nối huyện với miền xuôi bị sạt lở và ngập sâu ở nhiều đoạn. Chị Thao Thị Lau - người dân trú tại bản Chim (xã Nhi Sơn) cho biết: Mưa lớn những ngày qua đã khiến đường 15C bị sạt lở nghiêm trọng. Do bản nằm giữa 2 điểm sạt (Pù Nhi và Trung Lý) nên người dân bản không thể đi lên thị trấn Mường Lát hay xuôi xuống vùng Nam Tiến, Nam Động (huyện Quan Hóa) để mua hàng hóa, nhu yếu phẩm. Người dân đành phải sử dụng lương thực, thực phẩm khô dự trữ từ trước đó. “Cũng may đất đá sạt lở không vào khu dân cư nên không gây thiệt hại về người và nhà cửa. Chúng tôi mong nhà nước sớm thông đường để người dân ổn định đời sống, các cháu học sinh không phải nghỉ học dài ngày” - chị Lau bày tỏ.
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa ngày 24/9 cho biết, đợt mưa lũ này đã làm các tuyến quốc lộ 15, 15C, 217, 218B, 16, 47 và các tỉnh lộ bị sạt lở ta luy dương, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc 182 vị trí, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Các huyện bị chia cắt tạm thời và cơ sở hạ tầng giao thông bị thiệt hại nặng nề tại nhiều huyện miền núi như: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước…
Khẩn trương khắc phục, thông tuyến
Đến chiều ngày 24/9, thời tiết tại Thanh Hóa đã không còn xảy ra mưa lớn. Mực nước trên các sông lớn như: Sông Chu, sông Mã, sông Bưởi, sông Cầu Chày đã bắt đầu rút chậm. Trước tình hình này, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành giao thông cùng chính quyền các huyện, xã khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện máy móc khắc phục các điểm sạt lở, ngập úng trên các tuyến giao thông để thông tuyến trong thời gian sớm nhất có thể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Anh - Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Thường Xuân) cho biết: Sau khi nước lũ rút, xã đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, người dân cùng một nhà thầu xây dựng tại địa phương kiểm tra và khắc phục sự cố trôi cầu Bến Nhạ. “Ngay trong chiều 24/9, chúng tôi cho xe và máy múc đổ đất, đá để đắp lại mố cầu bị trôi. Không có gì thay đổi thì chỉ hết ngày 25/9, tuyến đường sẽ được khắc phục và mọi hoạt động của người dân trong xã sẽ trở lại nhịp sống thường nhật” - ông Trần Văn Anh nói.
Cũng nói về tiến độ khắc phục các tuyến giao thông bị hư hại sau lũ, ông Lôi Quang Vũ - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn tới hơn 10 điểm bị sạt lở, ngập lụt gây chia cắt tạm thời các xã, khu dân cư. Đối với các điểm ngập nặng, huyện yêu cầu các đơn vị chức năng phải căng dây, cắm biển cảnh báo người dân qua lại.
“Trước mắt, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương có điểm sạt lở chủ động khắc phục, thông tuyến, với tinh thần nước rút đến đâu làm đến đấy. Đối với các điểm sạt lở nặng, huyện đã huy động phương tiện, máy móc để để kịp thời xử lý” - ông Vũ chia sẻ thêm.
Còn ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cũng cho biết: Sau khi trời ngừng mưa, Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa đã phối hợp với huyện, huy động lực lượng, vật tư tại chỗ cùng 17 máy ủi, máy xúc, khẩn trương xử lý các điểm sạt lở, sa bồi mặt đường, đồng thời phân luồng giao thông. Đến đầu giờ chiều ngày 24/9, đường từ TP Thanh Hóa và các huyện miền xuôi lên huyện vùng cao Mường Lát đã cơ bản thông tuyến.
Ngày 24/9, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về công tác khắc phục sau lũ, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong đợt mưa lũ hiện tại, cơ sở hạ tầng giao thông đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề. Có tới 182 điểm sạt lở trên hầu hết các tuyến giao thông huyết mạch. Sáng 24/9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban bố tình trạng sạt lở giao thông khẩn cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Trước mắt, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành Giao thông huy động nhân lực, máy móc, khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở và thông đường, đặc biệt là đối với các điểm sạt lở trên QL15C nối huyện Mường Lát với miền xuôi.