Tại thời điểm này, dù bão số 2 đã đi qua nhưng tại miền Tây tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các huyện miền núi đều xảy ra tình trạng ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thống kê sơ bộ của Văn phòng Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau bão, toàn tỉnh có 2 người thiệt mạng do nước lũ, 10 ngôi nhà bị đổ sập, 6 nhà bị ngập, 282 căn nhà bị tốc mái, 305m đê điều, kênh bị sạt. Đồng thời, toàn tỉnh có khoảng 2.145 ha lúa và 1.851ha ngô, mía và hoa màu các loại bị ngập úng, gãy đổ và hư hại hoàn toàn. Cùng đó, bão số 2 cũng khiến 1.224 ha cây lâm nghiệp, 7.419 cây xanh bị đổ gãy; làm gãy cột điện trung thế, gãy đổ 537 cột điện hạ thế khác. Hiện công việc khắc phục đang được đẩy mạnh.
Tại Nghệ An, ngay sau khi cơn bão đi qua, ông Nguyễn Đắc Vinh- Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra thiệt hại và chỉ đạo khắc phục bão tại một số huyện, thị xã, chia sẻ với những thiệt hại của bà con, doanh nghiệp. Tại huyện Diễn Châu, trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại tại các xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Thành, ông Nguyễn Đắc Vinh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp sớm có phương án hỗ trợ thiệt hại, giảm thiểu phần nào khó khăn cho nông dân.
Ngay sau khi bão qua, tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện tham gia khắc phục, tổ chức lực lượng dọn dẹp cây cối đảm bảo ATGT kịp thời. Tỉnh đã thành lập 21 đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão. Công an Nghệ An điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến các vùng xung yếu để giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, duy trì chế độ trực 100% để kịp thời phản ứng khi có yêu cầu.
Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết sau bão, triển khai phương án chống lũ sau bão, phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn trên khu vực biên giới. Đoàn công tác của tỉnh và lãnh đạo các địa phương đã tổ chức thăm hỏi gia đình có người tử vong; chỉ đạo công tác hỗ trợ, khắc phục nhà bị sập, hư hỏng để ổn định đời sống nhân dân và sớm khôi phục sản xuất.
Về việc tìm kiếm 4 thuyền viên tàu VTB26 bị mất tích trên biển trong cơn bão đã và đang được đẩy nhanh. Theo ông Nguyễn Văn Tính- Phó Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, trong ngày 19-7 sẽ cho thợ lặn vào tìm kiếm số thuyền viên còn mất tích.
Còn hiện tại, tàu biên phòng tiếp tục tuần tra tìm kiếm tại khu vực đảo Hòn Ngư. Flycam cũng được dùng để rà soát khu vực có nhiều ghềnh đá. Khu vực tìm kiếm đã được mở rộng. 6h sáng ngày 19/7, các thợ lặn sẽ vào kiểm tra trong khoang tàu vì có khả năng thuyền viên kẹt lại tàu. Tới 10h sáng sẽ có kết quả thợ lặn tìm kiếm trong tàu. Cùng đó, sẽ huy động 3 cặp tàu giã cào để quét sát đáy biển để tìm kiếm các thuyền viên.
Với Hà Tĩnh, đến trưa ngày 18/7, tất cả đường dây trung thế đã đóng điện trở lại, 20/24.000 hộ dân ở 262 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng đã có điện sử dụng trở lại. Do địa bàn nằm sát biển, sức gió mạnh nên Lộc Hà là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, với 13/13 xã mất điện. Ngay khi bão tan, đơn vị đã huy động 100% lực lượng ra quân khắc phục.
Ngày 18/7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết: Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 55 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 9 người bị thương, 51 ngôi nhà bị sập và tốc mái; hơn 1.000ha lúa bị ngập, hàng chục ha hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại; 6 trạm bơm bị ngập nước, hàng trăm mét khối đất đá bị xói lở tại các tuyến kênh mương, đê kè. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi và làm xói lở 2 cầu giao thông.
Tại huyện Quảng Trạch, thống kê có 7 tàu hàng bị mắc cạn, 2 xà lan của cảng Hòn La, 1 tàu lai dắt của Bộ đội Hải quân và 19 tàu cá ngoại tỉnh bị sóng đánh chìm. Riêng tàu cá của ngư dân trong tỉnh bị chìm 24 tàu gồm: 1 tàu vỏ thép của ngư dân xã Cảnh Dương và 23 tàu cá của ngư dân xã Quảng Đông.
Công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở Quảng Bình đang được đẩy nhanh.