Sau những thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão đã và đang khẩn trương vào cuộc phục hồi sản xuất kinh doanh. Giới chuyên gia cho rằng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, rất cần những chính sách hỗ trợ sát sao của nhà quản lý, ngành ngân hàng...
Tái thiết kinh doanh sau bão, lũ
Hải Phòng, Quảng Ninh là hai địa phương hứng chịu sự tàn phá của cơn bão số 3 khủng khiếp. Nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh đã phải chịu cảnh tan hoang sau bão”. Tuy nhiên, khi bão đi qua, các DN tại 2 địa phương nói trên đã nhanh chóng khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) Nguyễn Huy Nam cho biết, trong ngày 12/9 vừa qua, Công ty Than Hà Lầm, đơn vị cuối cùng của ngành than đã có điện, các hoạt động sản xuất, khai thác hầm lò đã trở lại hoạt động bình thường.
Đến ngày 12/9, tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều được cấp điện phục vụ sản xuất, khai thác và chế biến than.
Công ty Kho vận Đá Bạc là đơn vị tiêu thụ than chính khu vực miền Tây của TKV, sau khi bão số 3 đổ bộ, Công ty này là một trong những đơn vị của TKV chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều hệ thống điện, mái tôn, công trình, kiến trúc, cây xanh tại các khu vực hiện trường, nhà xưởng, kho, bến bãi sản xuất bị hư hỏng nặng.
Một số tuyến băng tải, trạm điện, cột bơm, cấp phát nhiên liệu bị mưa gió làm hư hỏng gây gián đoạn sản xuất. Đáng chú ý, tuyến đường sắt vận chuyển than từ Vàng Danh ra cảng Điền Công có 3 vị trí bị sạt lở đất đá gây ách tắc, gián đoạn khâu vận chuyển than từ mỏ Vàng Danh, Nam Mẫu ra cảng tiêu thụ.
Công ty đã huy động tối đa nhân lực, máy móc tập trung khắc phục hậu quả sau bão. Với phương châm chủ động ứng cứu tại chỗ, đơn vị đã huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả sau bão. Trước tình hình thông tin liên lạc bị gián đoạn, công ty đã cắt cử người đến từng nhà thông báo trực tiếp vận động công nhân đi làm trở lại. Đơn vị tập trung sửa chữa hệ thống điện nội bộ sẵn sàng đấu nối điện lưới phục vụ sản xuất. Đồng thời, huy động nhiều nhân công tham gia xử lý sạt lở đất, khơi thông tuyến đường sắt huyết mạch vận chuyển, tiêu thụ than của đơn vị từ Vàng Danh ra Điền Công.
Ông Tạ Văn Long - Trưởng Phòng Điều hành sản xuất (Công ty Kho vận Đá Bạc) cho biết, đơn vị đã khôi phục hoạt động sản xuất. Ngày 11/9, tại Cảng Điền Công, đơn vị đã rót hơn 5.000 tấn than tiêu thụ. Ngày 13/9, khu vực Cảng Bến Cân hoạt động sản xuất trở lại.
Ông Nguyễn Huy Nam- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV chia sẻ, sau 3 ngày mất điện liên tục, được sự vào cuộc tích cực của tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến nay đã có 15/17 mỏ của các đơn vị thuộc Tập đoàn TKV có điện phục vụ sản xuất, khai thác than.
Ngay sau khi được cấp điện lưới trở lại, các mỏ đã nhanh chóng ổn định sản xuất; quan tâm đến đời sống thu nhập cho người lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời công nhân bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua sớm vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.
Theo tổng hợp sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, các tỉnh thành như Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh gần như toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp, nhà máy đã trở lại làm việc trong điều kiện an toàn. Tại những nơi có thiệt hại nặng nề do bão, các DN cũng đã nỗ lực khôi phục lại nhà xưởng, máy móc thiết bị để tiếp tục sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả công trình đang xây dựng, 100% ngừng thi công, thứ hai là những dây chuyền nhất thiết phải vận hành thì cho vận hành bình thường. Sau khi cơn bão đi qua, khu công nghiệp của chúng tôi hiện nay đang hoạt động rất ổn định.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết DN trong công nghiệp của tỉnh đã ổn định sản xuất và quay trở lại sản xuất bình thường. Các DN lớn đang nỗ lực quay lại guồng sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Nay nhiều địa phương ở miền Bắc bị ảnh hưởng do bão lũ, như vậy bản thân mỗi DN cần phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 để phục hồi lại sản xuất, rồi tăng tốc để tăng trưởng.
Bên cạnh sự nỗ lực của DN, cũng cần sự động viên và hỗ trợ từ cơ quan quản lý. Chẳng hạn DN bị mất trắng do bão lũ thì việc trả nợ ngân hàng là bị ảnh hưởng. Bởi vậy, nên có hỗ trợ về trả lãi… Khi DN tái thiết được sản xuất rồi, thì cũng cần được hỗ trợ về việc tiêu thụ nguồn cung, hỗ trợ việc giảm chi phí vận tải, chi phí lưu kho…
Tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất
Theo đề xuất của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, để khắc phục khó khăn, hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3. Xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại. Tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.
Các đơn vị ngân hàng này mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng hỗ trợ ngay cho nhân dân, tập trung vào các đối tượng: Người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở trên biển do mưa, bão; Người trồng lúa, hoa màu và trồng rừng bị thiệt hại; Hỗ trợ cho người dân có nhà bị tốc mái, bị đổ sập; Hỗ trợ đối với tàu du lịch, tàu cá bị chìm, hư hỏng do mưa bão.
Giới chuyên gia nhận định, để khôi phục sản xuất cho cộng đồng DN sau những tổn hại do bão số 3 gây ra, trước mắt, ngân hàng cần có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ, đưa vốn cho DN, song để khôi phục sản xuất kinh doanh bền vững yếu tố quan trọng nằm ỏ việc khơi thông nguồn lực cho các thị trường, lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, nền tảng vững chắc của DN còn nằm ở tình hình kinh tế vĩ mô trong nước được cải thiện, chính trị ổn định – gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp tăng khả năng thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và hợp tác cùng phát triển giữa DN nước ngoài với DN trong nước. Đặc biệt, chính sách tài khoá – tiền tệ đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế và phí, góp phần kích cầu tiêu dùng, giúp DN tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cộng đồng DN cả nước nói cũng mong muốn các cơ quan quản lý cũng cần đồng hành, triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo để giúp DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, nâng cao năng lực tuân thủ và tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. Thực hiện được những giải pháp này sẽ khơi thông tiềm năng của các DN, giúp DN an tâm phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng.
Tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng.
Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.