Bộ Y tế cho biết đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong tuần 35 năm 2022 cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc SXH. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc SXH tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số ca nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước số nhập viện giảm 18,7%.
Ở khu vực phía Bắc, số ca mắc SXH vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Đáng chú ý, tuần qua, đã có 4 trường hợp tử vong nguyên nhân chính là do vào viện trong tình trạng rất nặng, suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chỉ tính riêng trong 2 tuần qua bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 8 ca mắc SXH nặng. Theo TS. BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện khoa đang điều trị cho 4 ca SXH nặng, trong đó có 2 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch do nhập viện điều trị muộn.
Tại các cơ sở y tế phía Nam, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân SXH tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện, đã ở trong tình trạng sốc SXH, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, năm nay, bệnh nhân SXH nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó. Nguyên nhân có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc SXH mắc bệnh này sau mắc Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch, ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ngoài ra do suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị Covid-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ “quên” kiến thức về SXH.
Trước diễn biến ca mắc SXH tăng nhanh, ngày 9/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70 điều trị sốc SXH.
Văn bản của Cục trưởng Cục Quản lý Dược ban hành cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị SXH Dengue, dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc SXH gồm: Dextran 40, dextran 70, hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton. Các dịch truyền chứa dextran 40 hoặc dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Do đó, việc cung ứng thuốc phải thông qua hình thức cấp phép nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thuốc gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam. Theo Cục Quản lý Dược hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho nước ta.
Trước đó, do số bệnh nhân SXH phải nhập viện điều trị, số ca nặng tăng nhanh, từ cuối tháng 8, Cục Quản lý Khám chữa bệnh gửi công văn sang Cục Quản lý Dược để cung cấp thông tin tổng hợp về nhu cầu sử dụng dịch truyền dextran từ các cơ sở khám chữa bệnh tính đến ngày 31/8. Đã có 32 đơn vị có công văn đề xuất nhu cầu là 13.708 túi dextran 40 và cam kết nhận hàng. Ngoài ra, 25 đơn vị khác đề xuất với 17.537 túi dextran. Tuy nhiên, thông tin đề xuất của 25 đơn vị này mới chỉ được ghi nhận trên hệ thống dự trù trực tuyến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh mà chưa có công văn dự trù.
Để kịp thời cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân SXH nặng, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70. Sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này cũng phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục. Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các sở y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ sở báo cáo kịp thời về Cục Quản lý Dược để xem xét, giải quyết theo quy định.