Trưa ngày 1/8, bão số 3 đã đổi hướng di chuyển, sẽ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 - 11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Theo các chuyên gia khí tượng, bão số 3 khi đổ bộ vào bờ sẽ gây gió giật, mưa rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dân, phương tiện và công trình… Vì vậy, công tác phòng, chống bão được các địa phương chuẩn bị rất khẩn trương, trách nhiệm.
Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại cảng Cái Lân. Ảnh: Đức Hiếu – TTXVN.
Đây là cơn bão khá mạnh
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 1/8, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cơn bão số 3 đã di chuyển chậm lại, tốc độ chỉ còn 5 - 10 km/giờ so với ngày hôm trước là 10 - 15 km/giờ.
Các chuyên gia và các mô hình dự báo của nhiều nước trên thế giới đều thống nhất cơn bão này đi vào Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng vào chiều tối 2/8. Đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây gió mạnh ở khắp đồng bằng Bắc bộ trong những ngày tới.
Thế nhưng, ngay trưa ngày 1/8, bão đã đổi hướng và dự báo sẽ đi vào Quảng Ninh - Thái Bình. Chiều 1/8, tâm bão số 3 cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 340 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 12. Trong những giờ qua, bão chủ yếu di chuyển theo hướng bắc với tốc độ chậm. Với diễn biến này, chiều 2/8, tâm bão sẽ nằm tại khu vực phía Đông huyện Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Sau đó, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc 10 km/h và đi vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình vào chiều tối nay. Tại đây, bão gây ra sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10- 11, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới. Lúc này, áp thấp nhiệt đới sẽ quét qua các tỉnh Đông Bắc Bộ, tiếp tục gây mưa lớn diện rộng cho khu vực rồi suy yếu thành vùng áp thấp ngay sau đó.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bày tỏ lo ngại trước dự báo nước biển dâng cao trên 3m và cho rằng, đây là tình huống khá nguy hiểm, uy hiếp các tuyến đê biển, đặc biệt là các vị trí xung yếu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết có nhiều dự báo khác nhau nhưng chúng ta thống nhất đây là cơn bão khá mạnh.
Ông Hiệp cũng đồng thời đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) lập ngay các đoàn công tác rà soát, kiểm tra các công trình đang thi công, các điểm đê xung yếu để đôn đốc các địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn, trước khi bão đổ bộ, cũng như có các trận mưa lớn.
Bão số 3 đang tiến về Quảng Ninh - Thái Bình.
Thái Bình: Lo nhất 78.900 ha lúa và 7.110ha cây màu
Trong ngày 1/8, toàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão; thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn ba cấp tỉnh, huyện, xã; các lực lượng kỹ thuật của tỉnh đều về các địa phương, túc trực tại các vị trí được phân công để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, phương án phòng chống. Trong đó, tập trung giữ vững thông tin liên lạc, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú; triệt để tiêu nước, khơi thông dòng chảy, mở cống tiêu, đóng cống tưới, bảo đảm an toàn lưới điện; chuẩn bị phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm ven sông, ven biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; chằng, chống lồng, bè, nhà cửa; kiểm tra vật tư, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng xử lý các sự cố...
Đến chiều muộn ngày 1/8, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh Thái Bình đã kêu gọi, di dời toàn bộ 1.281 lao động đang canh coi trên 1.164 chòi canh ngao ven biển; 1.907 lao động đang làm việc tại 1.216 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; 55 lao động trên 575 lồng bè trên sông về nơi an toàn.
Đặc biệt, tỉnh cũng đã di dời 14.208 hộ dân sinh sống ngoài đê chính (51.098 nhân khẩu) vào trong đê; chủ động phương án di dời 8.476 hộ dân sinh sống trong các ngôi nhà yếu. Trước đó, tỉnh cũng đã kêu gọi 1.279 tàu, thuyền (3.643 ngư dân) đang làm ăn trên vùng biển của tỉnh vào bờ, tổ chức neo đậu an toàn; thực hiện lệnh cấm tàu thuyền ra khơi từ 10h ngày 1/8. Đối với các trọng điểm đê, kè, cống trên địa bàn, đặc biệt là 10 công trình phòng, chống lụt bão đang được thi công, theo chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị thi công và chính quyền các địa phương đã chủ động xây dựng phương án; bố trí sẵn vật tư, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng xử lý khi có sự cố...
Nỗi lo lớn nhất của Thái Bình là toàn tỉnh hiện có hơn 78.900 ha lúa mùa mới gieo cấy; 7.110ha cây màu vụ hè thu. Trong trường hợp mưa lớn, khả năng những diện tích trên bị ngập úng rất cao.
Nhằm hạn chế hậu quả ngập úng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình, các địa phương trong tỉnh bằng mọi biện pháp triệt để tiêu nước trên hệ thống sông trục của tỉnh; khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục; chủ động kích hoạt các trạm bơm khi có mưa lớn...
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại bến phà Gót.
Hải Phòng cấm biển
Ngày 1/8 Hải Phòng bắt đầu có mưa to. Nhận định đây là cơn bão khá mạnh nên công tác phòng chống bão được địa phương triển khai rất khẩn trương và cẩn trọng. Từ 17 giờ ngày 1/8, thành phố đã đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, đảo và ven sông đồng thời điều tàu tìm kiếm cứu nạn ra Cát Hải ứng trực.
Theo ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, huyện đã chủ động đưa hết du khách trên các đảo trong vịnh Lan Hạ về bờ. Nhiều công ty lữ hành đã hủy tour…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND thành phố Hải Phòng diễn ra sáng 1/8, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão; thực hiện cấm biển, di chuyển các chòi nuôi ngao trước 17 giờ ngày 1/8; tổ chức di dời người ở các khu vực trũng thấp, nguy hiểm trước 7 giờ ngày 2/8. Các ngành, địa phương chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu; tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, công trình giao thông, công trình công cộng…
Chiều 1/8, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trên địa bàn.
Nam Định: Sẵn sàng di dời khi có yêu cầu
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN PTNT tỉnh, UBND các huyện ven biển đã thông tin, liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện tàu, thuyền; hướng dẫn xử lý kịp thời các tình huống xấu; neo đậu vào nơi an toàn; chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Trong nội đồng, trong ngày 1/8, tất cả hệ thống thủy nông của tỉnh đang tập trung bơm tiêu rút nước đệm. Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện vận chuyển, ứng cứu và phương án sơ tán dân tại các địa bàn khi có bão đổ bộ đã được các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh hoàn tất. Các công trình, dự án đê, kè, cống đang thi công cũng đã được các đơn vị thi công chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn...
Tại phiên họp khẩn Ban Chỉ đạo sáng 1/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương tổ chức cấm biển và kêu gọi người dân trên các lều, chòi canh coi thủy sản vào đất liền trước 9h sáng ngày 2/8; cấm tất cả hoạt động vui chơi trên bãi biển từ 15h cùng ngày. Tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chằng chống bảo vệ nhà cửa, ao, đầm. Những địa phương có nhiều nhà yếu, nhà tạm sẵn sang phương án di dời khi có yêu cầu; các cơ quan, công sở chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ. Riêng Công ty Điện lực và các Công ty thủy nông đảm bảo đủ nguồn điện, điều tiết tốt nguồn nước, hạn chế thấp nhất tình trạng úng, ngập tại đô thị và đồng ruộng…