ĐBQH đề nghị cần khẩn trương xây dựng các chính sách ưu đãi để kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ y, bác sĩ.
Ngày 8/9, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) kiến nghị, cần quan tâm đến cơ chế tài chính của bệnh viện công. Bởi vì đây là nội dung hết sức quan trọng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều, rất cần làm rõ.
Theo vị đại biểu Quốc hội là Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, minh bạch về cơ chế tài chính để giúp cho các bệnh viện công lập đi theo đúng định hướng, tránh những vi phạm, sai sót trong quá trình quản lý tài chính của người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Bà Hà cho rằng, các bệnh viện tư nhân hoạt động thì hoàn toàn được quy định rõ và điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp nên rất thuận lợi trong quá trình hoạt động và minh bạch trong quá trình vận hành. Trong khi đó, các bệnh viện công lập thì cơ chế tài chính lại chưa thực sự rõ ràng.
“Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã phát biểu là nên chăng cần có một điều về cơ chế tài chính nhưng trong bản dự thảo cuối cùng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thấy có điều riêng cho nội dung này”-bà Hà chỉ rõ.
Bên cạnh đó, theo bà Hà cần bổ sung vào Điều 4 chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh để làm rõ thêm về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh theo hướng đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bởi đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển đã được ghi trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 20 cũng chỉ rõ, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước, ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả, có nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đáng chú ý, bà Hà kiến nghị bổ sung khoản 8 vào Điều 4 giao Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho các cơ sở y tế về vay vốn, miễn giảm thuế, bổ sung kinh phí khi nguồn thu bị sụt giảm không đảm bảo chi cho các hoạt động của cơ sở y tế. Theo đó, Chính phủ ban hành các chính sách vay vốn, hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở y tế để đầu tư cách trang thiết bị, phát triển các kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các bệnh viện; Bổ sung kinh phí đảm bảo cho hoạt động của bệnh viện khi thu không đủ bù chi chuyên.
ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng, tại khoản 2, Điều 4 dự thảo luật có quy định có chính sách ưu đãi với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Thực tiễn trong thời gian qua, rất nhiều y, bác sĩ đã xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác dù đã có thời gian gắn bó lâu dài. Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách phù hợp cho đối tượng này. Nếu không đảm bảo được cuộc sống, không có chính sách đãi ngộ phù hợp thì sẽ không giữ chân được lực lượng này, gây lãng phí nguồn lực và lực lượng y tế trong thời gian tới sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Từ đó bà Thanh đề nghị, cần nghiên cứu khẩn trương để xây dựng các chính sách ưu đãi cụ thể để kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ này, đặc biệt là các y, bác sĩ nữ, y tế cơ sở tại vùng dân tộc thiểu số, tỉnh miền núi, lực lượng y, bác bác sĩ tuyến đầu để họ yên tâm công tác và cống hiến.
Liên quan đến quy định về cấp cứu ngoại viện, bà Thanh cho rằng, với vai trò và tầm quan trọng của hoạt động cấp cứu ngoại viện trong thực tiễn, đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể tiêu chuẩn, hình thức tổ chức, điều kiện hoạt động đối với hình thức này để đảm bảo phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý hiệu quả hoạt động của hình thức cấp cứu ngoại viện.
ĐB Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) cũng cho rằng, vấn đề tài chính y tế, nên thiết kế thành chương riêng cho rõ và cho dễ thực hiện thống nhất. Đây là vấn đề hiện nay các cơ sở khám, chữa bệnh cả công lập và tư nhân còn rất nhiều vướng mắc. Cần có hành lang pháp lý cho việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế.
Theo ông Trí, cần loại bỏ cơ chế tự hạch toán và khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong hệ thống y tế công. Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong quản lý và phát triển hoạt động khám, chữa bệnh. Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phương tiện cho các hoạt động khám, chữa bệnh công lập, kể cả khám, chữa bệnh ban đầu và khám, chữa bệnh tuyến sau, nhằm bảo đảm duy trì hệ thống y tế công lập vận hành theo yêu cầu cạnh tranh công bằng với các loại hình y tế ngoài công lập.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ các hình thức, cơ chế trong việc thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhằm tránh lợi dụng hình thức xã hội hóa y tế, lợi dụng sự thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công lập để liên doanh trục lợi.