Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Nghệ An, chất lượng nước mặt tại một số điểm đầu vào cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt tiếp tục có biểu hiện ô nhiễm bởi một số các hợp chất.
Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc TNMT, đợt quan trắc này có 16 điểm lấy nước thô đầu vào được lấy mẫu. Kết quả cho thấy, chỉ có điểm cấp nước ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương), có 100% thông số đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, đáng chú ý tại điểm cấp nước huyện Quỳ Hợp, chỉ số As (Asen) vượt 20,3 lần.
Sau khi Sở TNMT có kết quả quan trắc mới nhất tại vị trí lấy nước thô đầu vào cho Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Huyện đã có công văn gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đề nghị khẩn trương chuyển vị trí lấy nước thô đầu vào của nhà máy nước từ suối Nậm Huống sang suối Nậm Choọng.
“Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan xem xét đề nghị dời vị trí lấy nước thô đầu vào cung cấp cho Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp” - ông Tùng cho biết thêm.
Cũng theo ông Tùng, nguồn nước đầu vào của nhà máy nước Quỳ Hợp có một số yếu tố không đảm bảo chất lượng. Nguồn được lấy từ suối Nậm Huống, trong khi trên lưu vực của suối có đến 51 mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác và chế biến, trong đó có 39 mỏ đá, 8 mỏ quặng thiếc, 4 mỏ đá và quặng thiếc kết hợp và 1 nhà máy tuyển quặng thiếc.
“Trong quá trình đó đã sinh ra các kim loại nặng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nếu vượt tiêu chuẩn cho phép như: Amoni, Asen, Cadimi, Mangan, sắt, chì, crom, thủy ngân. Trong khi Nhà máy nước thị trấn Quỳ Hợp không có công nghệ tách các chất gây hại nêu trên ra khỏi nguồn nước cung cấp cho người sử dụng” - công văn của UBND huyện Quỳ Hợp nêu.
Được biết, theo kết quả quan trắc 16 điểm ở 16 vị trí lấy nước thô đầu vào thì đã có 15 điểm xảy ra ô nhiễm. Cụ thể, mẫu nước lấy tại nguồn nước thô đầu vào của hệ thống cấp nước Yên Thành có 2 thông số vượt quy chuẩn; Quỳ Hợp có 3 thông số vượt quy chuẩn; Quỳ Châu có 3 thông số vượt quy chuẩn; huyện Quế Phong có 1 thông số vượt quy chuẩn; thị xã Thái Hòa có 2 thông số vượt quy chuẩn; huyện Thanh Chương có 3 thông số vượt; huyện Quỳnh Lưu có 2 thông số; huyện Hưng Nguyên có 7 thông số; huyện Tân Kỳ, có 2 thông số; huyện Đô Lương, có 4 thông số; thị xã Cửa Lò có 6 thông số; huyện Nam Đàn có 3 thông số; thị xã Hoàng Mai có 3 thông số; Diễn Châu có 3 thông số; huyện Con Cuông có 1 thông số.
Thậm chí, vào tháng 3/2017, tại khu vực mỏ Suối Bắc đã xảy ra sự cố vỡ đập ngăn hồ lắng, làm tràn bùn thải, bồi lắng dọc tuyến khe, suối gây hiện tượng cá chết ở một số ao nuôi lấy nước từ suối Nậm Huống. Đến tháng 7/2024, tiếp tục xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ở thượng nguồn của nhà máy nước, khu vực gần mỏ quặng thiếc của Công ty TNHH Thiếc Hà An. Kết quả phân tích mẫu nước mặt tại dòng suối vào ngày 8/7/2024 cho thấy: có 5/8 thông số vượt chuẩn, trong đó Asen vượt 5,4 lần; Cadimi vượt 18,56 lần; Mangan vượt 23,7 lần; sắt vượt 16,34 lần…
Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt tại địa phương, Sở TNMT tỉnh Nghệ An đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo cấp xã tuyên truyền, tổ chức thực hiện và quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Tài nguyên nước 2023. Trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt đến các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện việc thu gom triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh dọc các dòng sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa…
Riêng chủ đầu tư, phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác. Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan Nhà nước có thầm quyền để xử lý.