Sức khỏe

Khẳng định trình độ ghép tạng Việt Nam trên bản đồ thế giới

Đức Trân 22/02/2024 07:04

Mới đây, Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp với các chuyên gia về tim mạch Bệnh viện E cùng GS.TS Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thực hiện thành công ca ghép phổi.

anh-bai-chinh-y-te-so-53.jpg
Hơn 150 y, bác sĩ của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 thực hiện ca lấy – ghép đa tạng. Ảnh: BVCC.

Cụ thể, nữ bệnh nhân 21 tuổi (quê ở tỉnh Bắc Kạn), đang là sinh viên của một trường đại học và phải bỏ học giữa chừng vì mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, bệnh nhân phải thở ô xy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Được biết, bệnh nhân này mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là 1 bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan tỏa và làm mất chức năng phổi. Tình trạng của bệnh nhân rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi. Bệnh nhân đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi trung ương từ năm 2020, và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

Sau khi nhận được thông tin có phổi hiếm từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.

Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ tới 22 giờ) đã thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF (1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ).

12 giờ sau khi mổ, bệnh nhân đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của 2 lá phổi mới. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, bệnh nhân đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.

TS. BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho hay: Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ, quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng... Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh. Do vậy, trên thế giới ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người, ghép phổi là 1 kỹ thuật khó. Đây là ca thứ 10 được ghép phổi trên toàn quốc. Nếu như một người chết não có thể lấy thận ghép cho 20 người, lấy gan ghép cho 10 người thì ước tính cứ 10 người chết não thì chỉ có 2 ca lấy được phổi để ghép. Vì vậy, ghép phổi thường gặp nhiều khó khăn và ít ca ghép hơn so với các tạng khác.

Trước đó, Bệnh viện Phổi trung ương đã phối hợp với nhiều bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép 2 lá phổi cho bệnh nhân nam 56 tuổi (ở Thanh Hóa) được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.

Không chỉ tại Bệnh viện Phổi trung ương, trong thời gian gần đây, nhiều ca ghép tạng đòi hỏi kỹ thuật rất cao đã liên tiếp được các bệnh viện thực hiện thành công theo tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện trung ương Quân đội 108 mới đây đã huy động hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia để thực hiện ca lấy – ghép đa tạng từ người cho chết não trong vòng 11 tiếng đồng hồ.

Cụ thể, bệnh viện đã tổ chức lấy - ghép 8 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận - tụy, 2 tay, 2 giác mạc, phổi.

Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, đối với cuộc đại phẫu thuật lần này, bệnh viện chủ động hoàn toàn về công tác tổ chức, điều phối và thực hiện. Bệnh viện đã huy động chuyên gia của các chuyên ngành, các cơ quan làm công tác tổ chức, điều phối, hậu cần, trang bị, công nghệ thông tin, công tác xã hội… để lấy - ghép đồng thời các mô, tạng gồm: Tim, phổi, gan, thận, tụy, chi thể, giác mạc và tổ chức chu đáo công tác hậu sự cho người bệnh chết não hiến đa mô, tạng. Trong số các ca ghép trên, ghép đồng thời tuỵ - thận được đánh giá là kỹ thuật phức tạp nhất.

“Ghép tụy là một kỹ thuật ngoại khoa phức tạp đòi hỏi sự đánh giá, chuẩn bị kỹ lưỡng trước ghép về chỉ định và sự phù hợp giữa người cho - người nhận; bất cứ sai sót nhỏ nào khi phẫu thuật tuỵ có thể gây ảnh hưởng rất lớn tới các tạng khác và nguy hiểm cho người nhận. Đặc biệt, bệnh nhân phải trải qua quá trình hậu phẫu rất phức tạp với nhiều nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra. Tuy vậy, để chuẩn bị cho ca ghép này, các đơn vị trong bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nhất đối với người hiến cũng như người nhận. Bệnh nhân nhận tuỵ - thận đã được điều trị và theo dõi liên tục tại bệnh viện trong hơn 1 năm nay, bảo đảm luôn sẵn sàng ghép khi có nguồn hiến” - ông Song thông tin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định: Sự thành công của các ca ghép tạng cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, đây là thành tựu tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam, mang lại giá trị to lớn cho sức khỏe người bệnh và nhân dân. Đồng thời, đây là một bước đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, thể hiện trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khẳng định trình độ ghép tạng Việt Nam trên bản đồ thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO