Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết nhân Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết (25/1/1942-25/1/2022), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ làm Báo Cứu Quốc, Giải Phóng, hành trang để Báo Đại Đoàn Kết vững bước tương lai là không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực sự là kênh thông tin chính thống, hữu ích, thân thiện, tin cậy, từ đó khẳng định vị thế, uy tín là tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lòng bạn đọc.
PV:Thưa Chủ tịch, 80 năm ngày Báo Cứu Quốc – Giải Phóng - Đại Đoàn Kết ra số báo đầu tiên là dấu mốc quan trọng và tự hào của những người làm Báo Đại Đoàn Kết. Chủ tịch có thể chia sẻ ấn tượng về chặng đường lịch sử của tờ báo?
Chủ tịch ĐỖ VĂN CHIẾN: Có thể nói, hơn 91 năm lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì có 80 năm lịch sử Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết. Vì thế lịch sử của tờ báo gắn liền với lịch sử cách mạng và lịch sử của Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một dấu mốc quan trọng và là niềm tự hào của không chỉ các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ mà còn là niềm tự hào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mỗi tên gọi của Báo như Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết đều tương ứng với mục tiêu, nhiệm vụ của Mặt trận trong từng giai đoạn lịch sử. Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Kể từ đó cho tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, thiếu thốn mọi bề, Báo Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Sau ngày lễ Độc lập, với trách nhiệm và cũng là niềm tự hào, Báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9/1945 đã đăng toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Báo đã kịp thời đăng lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và lời thề của quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Đó là những tài liệu vô cùng quý giá ở một thời điểm thiêng liêng của dân tộc và cách mạng; có giá trị lớn lao đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam và khoa học lịch sử, với lịch sử Đảng, lịch sử Nhà nước cách mạng Việt Nam và đối với nhiều ngành khoa học xã hội khác.
Báo Cứu Quốc ra đời và hoạt động trong lúc cao trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ với mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật giành cho được độc lập dân tộc với khẩu hiệu "Dân tộc trên hết, Tổ quốc là trên hết", vì thế, mục tiêu chính trị của tờ báo là hướng vào cứu nước. Các bài viết đăng trên Báo Cứu Quốc đều hướng tới khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước. Từ yêu nước mà góp công sức, sẵn sàng hy sinh và chiến đấu để cứu nước.
Cho đến đầu năm 1964, một đoàn cán bộ của Báo Cứu Quốc đã được điều vào miền Nam làm nòng cốt để xây dựng Báo Giải Phóng - Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới. Cần nhấn mạnh rằng, Mặt trận và tờ báo của Mặt trận có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Cùng với Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng đồng hành cùng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử được giao trên mặt trận tư tưởng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với tư cách là tờ báo của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội, sự chuyển mình, đổi mới của công tác Mặt trận qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, nhất là sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận.
Trước những cơ hội và thách thức mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí cách mạng nói chung và Báo Đại Đoàn Kết nói riêng?
Chủ tịch ĐỖ VĂN CHIẾN: Cùng với chiều dài lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 96 năm hình thành, phát triển lớn mạnh không ngừng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong mọi giai đoạn lịch sử - báo chí cách mạng luôn tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, tinh thần chiến đấu cao, thể hiện rõ nét tinh thần: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” – như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao những đóng góp, cống hiến to lớn của báo chí, các thế hệ người làm báo Việt Nam. Chính nhờ những đóng góp to lớn và quý báu đó mà nghề báo được xã hội quý trọng, được nhân dân tin cậy và trao gửi niềm tin.
Bước vào thời đại công nghệ số, báo chí Việt Nam đang đứng trước các cơ hội và thách thức lớn. Thời đại của công nghệ số là thời đại của những khái niệm như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),… Cùng với cơ hội là thách thức không nhỏ vì trong thời đại thông tin, khi mà những thông tin trên mạng internet, những trang mạng xã hội tràn lan một số biểu hiện thương mại hóa trong báo chí, khuynh hướng chụp giật, thông tin giật gân câu khách, một số ít phóng viên, nhà báo tùy tiện trong khi tác nghiệp, tạo ra một số tác phẩm không được bạn đọc đón nhận, đúng là “con sâu làm rầu nồi canh” khiến cho niềm tin của độc giả với báo chí ít nhiều bị giảm sút, làm mai một giá trị tinh thần cao quý của báo chí –“món ăn” tinh thần cao quý của nhân dân ta.
Bởi vậy, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam để tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tôi luôn có một niềm tin sâu sắc, trong bất cứ hoàn cảnh nào, báo chí cách mạng vẫn giữ được sứ mệnh cao cả vốn có của mình; Đội ngũ những người làm báo chân chính luôn nhận thức rõ những trách nhiệm xã hội, đủ bản lĩnh, trí tuệ để vượt qua.
Vì vậy, hãy coi sự phát triển của khoa học kỹ thuật chính là cơ hội để mỗi cơ quan báo chí và người làm báo, trong đó có Báo Đại Đoàn Kết, có thêm cơ hội, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của sự phát triển.
Nhiều cơ quan báo chí hiện nay đã sẵn sàng đón nhận xu hướng mới của thời đại công nghệ số và quyết tâm trở thành một tòa soạn đa phương tiện. Đại Đoàn Kết đang đứng trước những cơ hội để sáng tạo và thay đổi. Thay đổi để chúng ta lớn mạnh và không ngừng phát triển, phù hợp với xu thế của thời đại, giữ ngọn lửa báo chí cách mạng, giữ vững bản lĩnh là tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sứ mệnh cao cả là củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để xứng đáng với vị thế là một trong những cơ quan báo chí chính thống của đất nước, tờ báo của Mặt trận, theo Chủ tịch, Báo Đại Đoàn Kết cần phải làm gì để tiếp tục giữ vững và phát huy những giá trị ấy?
Chủ tịch ĐỖ VĂN CHIẾN: Trong rất nhiều năm qua, Báo Đại Đoàn Kết được xem là “cẩm nang” không thể thiếu đối với đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận trên khắp mọi miền đất nước. Cán bộ Mặt trận tìm thấy ở tờ báo những thông tin bổ ích, gần gũi, thân thuộc. Tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn về thông tin trên các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục... của Báo Đại Đoàn Kết đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.
Bởi vậy, nói đến Báo Đại Đoàn Kết, độc giả luôn đặt trọn niềm tin. Trong bối cảnh thông tin mọi mặt về đời sống xã hội tràn ngập trên không gian mạng, xu hướng của độc giả hiện đại là tìm đến những địa chỉ mà người ta có lòng tin cao nhất. Tờ báo của chúng ta phải làm sao xứng đáng là nơi hội tụ của lòng tin.
Muốn vậy, Báo Đại Đoàn Kết cần quan tâm, chủ động tiếp cận, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhất là sử dụng có hiệu quả các thiết bị, phương tiện hiện đại, công nghệ làm báo, xây dựng tờ báo đa phương tiện, đổi mới nội dung, phương thức đưa thông tin đến với bạn đọc một cách nhanh nhất, chính xác nhất.
Phóng viên phải thật sự “dấn thấn”, đến với những nơi khó khăn nhất, bám sát những sự kiện nổi lên trong đời sống xã hội, khai thác thông tin có chiều sâu, sát thực tiễn, phản ánh với bạn đọc. Trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin, đa chiều khó kiểm soát, Báo Đại Đoàn Kết cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận với nhân dân.
Lịch sử 80 năm qua đã khẳng định rõ vị thế, vai trò tiên phong và những cống hiến to lớn của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ làm Báo Cứu Quốc, Giải Phóng, tôi bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc Báo Đại Đoàn Kết sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức, bắt kịp với xu hướng phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của bạn đọc. Tờ báo sẽ thực sự là kênh thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, từ đó khẳng định vị thế là tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Xin chúc các thế hệ nhà báo của Báo Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ dồi dào sức khoẻ, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc; sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, tờ báo ngày càng phát triển, xứng đáng với niềm tin cậy của bạn đọc trên mọi miền của đất nước.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với tư cách là tờ báo của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội, sự chuyển mình, đổi mới của công tác Mặt trận qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, nhất là sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận.