Tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) những ngày gần đây xảy ra hiện tượng cá, tôm, cua, ốc chết hàng loạt trên diện rộng dọc theo Đầm Thủy Triều thuộc 2 thôn Tân Quý, Suối Cam.
Cá chết ở Đầm Thủy Triều trôi dạt vào bờ tại thôn Suối Cam.
Sáng 15/3, PV báo Đại Đoàn Kết có mặt tại hiện trường ghi nhận hàng loạt cá biển đã chết dạt vào bờ, bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhiều đìa tôm, ốc của người dân xung quanh nhà máy cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Phúc- trú tại thôn Suối Cam cho biết: Ngày 13/3, khi ra đìa tôm tôi phát hiện các loại cá lớn, cá bé mới bắt đầu chết và trôi dạt vào bờ, nhiều người dân thấy vậy cũng ra để vớt về cho heo.
Đến nay, theo ông Phúc, hơn 4 tấn ốc hương cùng 32 vạn tôm thẻ chân trắng của gia đình với trọng lượng hơn 1,6 tấn đã chết, ước tính thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng. Nghi ngờ nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm là do Nhà máy Đường Khánh Hòa xả thải nên ông đã báo cho chính quyền xã, huyện, công an môi trường xuống kiểm tra, lấy mẫu nước.
Tương tự nhà ông Phúc, đìa ốc nhà ông Lê Minh Kha (thôn Suối Cam) với diện tích 3 sao (3.000 m2) ốc với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu đồng, sau 8 tháng nuôi cũng đã chết sạch, theo ông Kha nếu tính giá ốc hiện nay trên thị trường thì gia đình cũng thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Còn bà Trần Thị Cúc (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc), sống kề tường rào xi măng của Nhà máy Đường Khánh Hòa cho biết, nước thải chảy ra ngoài qua kẽ tường, rất hôi thối.
Nhà máy Đường Khánh Hòa đóng tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Tuy nhiên, khi PV đến liên hệ với ông Mai Như Chi- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm để tìm hiểu thêm thông tin thì ông cho biết, cái này chúng tôi không biết, không nắm vấn đề gì cả, các anh lên gặp lãnh đạo huyện.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ gặp ông Bùi Quang Nam - Chánh Văn phòng huyện Cam Lâm, ông Nam trả lời đúng một câu, cái này huyện không rõ, huyện chỉ phối hợp với Sở TN&MT tỉnh thôi, các anh lên Sở chứ chúng tôi không biết. Chưa bỏ cuộc, chúng tôi tiếp tục tìm đến UBND xã Cam Thành Bắc để gặp ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch xã, ông Hùng điện thoại cho ai đó rồi trả lời gọn lỏn: “Sếp không cho trả lời”.
Ông Nguyễn Khả Trọng- Trưởng thôn Suối Cam cho biết: Các hộ nuôi trồng thủy sản ở đây đều vay vốn của ngân hàng để sản xuất, giờ thủy sản chết coi như người dân bị mất trắng. Theo ông Trọng, Nhà máy cần phải bồi thường kịp thời cho các hộ bị thiệt hại để người dân tái sản xuất.
Theo ông Dương Công Tiễn- Giám đốc Nhà máy Đường Khánh Hòa, vào khoảng 9 giờ ngày 13/3 nhà máy bị sự cố nước thải, do đó lượng nước thải bị tràn vào mương thoát nước mưa, sau đó Nhà máy đã chặn các cửa thoát mưa ra Đầm Thủy Triều. Nước thải trong mương thoát nước mưa bị dâng lên thấm qua tường rào 6 m phía bắc của nhà máy ra Đầm Thủy Triều.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa không chỉ tràn qua tường và các cống thoát nước mưa của nhà máy cũng có nước thải của Nhà máy này chảy thẳng ra Đầm Thủy Triều. Xung quang khu vực nhà máy các đìa tôm, cá của người dân nước bốc mùi hôi thối rất nồng nặc.
Ông Đỗ Thanh Liêm - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa cho biết: Nguyên nhân sự cố trên không phải do Nhà máy chủ động xả. “Hiện nay, Nhà máy đang ngừng hoạt động để khắc phục sự cố và phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh nguyên nhân khiến thủy sản chết, nếu đúng là lo nước thải của Nhà máy chúng tôi sẽ không chối bỏ trách nhiệm”, ông Liêm cam kết.