PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Xuân Minh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa.
Khánh Hòa chủ động phòng chống Zika.
PV: Được biết, du khách người Australia nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trong thời gian ở lại Việt Nam, du khách này có đến lưu trú tại tỉnh Khánh Hòa, vậy ông cho biết thông tin này như thế nào?
Ông Bùi Xuân Minh: Trước đó, ngày 22/3, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia đã xác định một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/2 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3; đến ngày 8/3 có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Ngày 23/3 đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại tỉnh Khánh Hòa để trực tiếp chỉ đạo công tác xác minh, phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Tại buổi làm việc, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng đã báo cáo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn trong thời gian qua, cũng như triển khai các biện pháp phòng chống virus Zika.
Vậy hiện tại, tỉnh Khánh Hòa đã phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus Zika chưa thưa ông?
- Khánh Hòa cho đến nay chưa phát hiện có ca nhiễm Zika nào, nhưng Bộ Y tế đánh giá, nguy cơ nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa nâng mức độ cảnh báo dịch bệnh Zika từ mức chưa có ca nhiễm lên mức độ đã có ca nhiễm (mức độ 2).
Đến thời điểm này, tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị cho công tác phòng chống virus Zika như thế nào rồi thưa ông?
- Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cũng đã và được tiến hành. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, phòng cách ly, thuốc men… đã được chuẩn bị.
Tại cảng hàng không, cảng biển quốc tế đã có các trung tâm kiểm soát nếu phát có người bị nhiễm sẽ có xe chuyển thẳng đến khu cách ly để điều trị. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu ở các bệnh viện và cộng đồng, các trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika để xét nghiệm, phát hiện sớm, không bỏ sót trường hợp mắc Zika.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt các biện pháp nâng cao nhận thức, tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết để người dân tự diệt lăng quăng tại nhà.
Dự kiến, ngày 28/3, tỉnh sẽ tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” trên toàn địa bàn. UBND tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur Nha Trang cố gắng không để dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Ngoài ra, Viện, Pasteur Nha Trang cũng đã sẵn sàng hỗ trợ các trường hợp nghi ngờ đến để xét nghiệm; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Trân trọng cảm ơn ông!
Do thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-13 ngày sau khi bị muỗi đốt, khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Biểu hiện của người mắt virus Zika là sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược; Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Tuy nhiên, nếu người bình thường bị nhiễm virus Zika thì cũng điều trị theo phát đồ bình thường như các loạt sốt siêu vi hay sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đối với phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất. Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh. Bác sĩ Bùi Xuân Minh |