Giữa tháng 5/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2021 cho nhà thơ Giang Nam.
Nhắc đến nhà thơ Giang Nam người ta hay nghĩ đến bài thơ Quê hương nổi tiếng “Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” và bài thơ này đã đưa Giang Nam lên đỉnh cao của nền thơ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ… nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929, (năm nay đã 94 tuổi) tham gia cách mạng từ năm 1945, nguyên Phó tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ Giải Phóng và ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định (1963); nguyên Ủy viên Ban thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 2 và 3, Tổng biên tập báo Văn Nghệ (1978-1980), Trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam (1981-1983), Thường trực Đảng Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981) và nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1989-1993).
Cùng với những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Giang Nam đã được trình để xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị Thủ tưởng Chính phủ cho trình bổ sung nhiều tác phẩm khác của nhà thơ Giang Nam để xem xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho ông như sau: Những người thợ đá (tập truyện ngắn 1960, tác giả: Giang Nam và những người khác; Nhà xuất bản Lao Động, xuất bản năm 1960). Đất nước vào xuân (tập thơ về cuộc tổng tiến công và nổi dậy; tác giả: Giang Nam, Lê Anh Xuân. Thu Bồn…; Nhà xuất bản Giải Phóng, 1968). Người giồng tre(ký và truyện ngắn, tác giả Giang Nam, Nhà xuất bản Giải Phóng, 1969)….
Nhà thơ Giang Nam là những lá cờ đầu của thơ ca thời kháng chiến chống Mỹ. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ ngày đầu chống Pháp, suốt sau đó chống Mỹ ông ở lại chiến trường Miền Nam tham gia hoạt động văn nghệ làm tới chức Phó Tổng thư ký Văn nghệ Giải phóng, được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ… thế hệ ông đều đã ra đi chỉ còn ông. Nhà thơ Hoài Vũ người từng làm việc, người bạn người em thân thiết thời “ Vàm Cỏ Đông” bùi ngùi: “Nhà thơ Giang Nam xứng đáng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho sự nghiệp thơ ca của mình". Nhà văn Cao Duy Thảo- Nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa- Người cùng làm việc với Giang Nam nhiều năm cũng trăn trở: “Tại đại hội Nhà Văn lần thứ 4, có ý kiến về việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Giang Nam nhưng không hiểu sao tới nay vẫn chưa được?”. Họa sỹ Trần Hà – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa cho biết: “Nhà thơ Giang Nam xứng đáng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng rất tiếc chính nhà thơ với một lý do tế nhị nhà thơ không làm hồ sơ cho mình. Đây là điều rất áy náy với nhà thơ Giang Nam, chúng tôi mong rằng Hội Nhà Văn Việt Nam nên xem xét đặc cách đề nghị nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam” .
Trao đổi với phóng viên, về việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Giang Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân nêu rõ: nhà thơ Giang Nam tuổi đã cao (94 tuổi), sức khỏe yếu, không thể đợi đến kỳ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh tiếp theo vào năm 2025. UBND tỉnh được biết năm 2011 đã có trường hợp Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện bổ sung quy trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp văn học của đất nước, UBND tỉnh Khánh Hòa, lại một lần nữa, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, xem tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình nhà thơ Giang nam có 8 tập thơ, 4 tập truyện, bút ký. Ngoài giải nhì với bài thơ Quê Hương, ông còn đạt Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa (1975-2000, 2001-2005), Giải thường Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001) với 3 tập thơ…