Sáng ngày 16/8, tại quê hương Đào Tấn ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh (Bình Định) đã khánh thành đền thờ Danh nhân văn hóa, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn.
Lễ cắt băng khánh thành Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Đào Tấn (1845 - 1907) tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng quê ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đào Tấn đậu cử nhân thứ 8 khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định, đã kinh qua các chức vụ Tham biện, Phủ doãn, ba lần Tổng đốc, bốn lần Thượng thư, hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử.
Ông là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý.
Lễ thỉnh tượng Danh nhân văn hóa Đào Tấn vào đền.
Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn soạn tuồng hát bộ. Nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp Tuồng. Ông được coi là ông tổ của nghệ thuật hát bộ với những kiệt tác sân khấu bất hủ, như: Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm hương các…
Đặc biệt, ông đã để lại hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 1.000 bài thơ, từ, gần 100 vở tuồng và tập sách lý luận sân khấu mang tên Hý trường tùy bút cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.
Tượng Danh nhân văn hóa Đào Tấn tại đền.
Đền thờ gồm các hạng mục: Đền thờ Đào Tấn; Nhà quản lý cùng các công trình phụ trợ trên diện tích hơn 4.930m2, với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 9,3 tỷ đồng, thời gian thi công từ tháng 10/2015 đến tháng 8/2016.
Kiến trúc sư cho công trình đền cũng là một con cháu của cụ Đào Tấn, cháu đời thứ 5 kiến trúc sư Đào Tùng.
Đời thứ 4 cụ Đào Tấn - Đào Bỉnh Thức tặng sắc phong của vua Thành Thái dành cho cụ Đào Tấn cho đền thờ.
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày đã tiến hành thỉnh tượng cụ Đào Tấn vào đền thờ.
Dịp này nhà hát tuồng Đào Tấn cũng sẽ tổ chức 2 đêm hát tuồng tại đình làng Vinh Thạnh để phục vụ miễn phí cho bà con trong vùng và du khách thập phương .
Hướng dẫn bà con tham quan về lịch sử Danh nhân văn hóa Đào Tấn.