Sáng 4/2, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức lễ khánh thành Thái miếu- nơi thờ Hoàng tộc nhà Trần, di tích nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Các đại biểu cùng cắt băng khánh thành Thái miếu nhà Trần.
Thái miếu nhà Trần tọa lạc tại khu vực đồi Đình, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh.
Di tích được xây dựng từ thời Trần, khởi dựng là Tổ miếu/Tiên miếu (nơi thờ tổ tiên), sau được mở rộng về quy mô, tính chất, giá trị, trở thành Thái miếu-nơi thờ Hoàng tộc nhà Trần nơi quê gốc.
Di tích có giá trị to lớn, tuy nhiên trải qua những biến thiên của lịch sử, công trình đã bị đổ nát, chỉ còn lại dấu vết nền móng dưới lòng đất.
Qua nghiên cứu khai quật khảo cổ học di tích, các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống dấu vết nền móng của 39 công trình kiến trúc thời Trần, được xây dựng qua 3 giai đoạn khác nhau, gồm: Mặt bằng kiến trúc Thái miếu, sân vườn, bậc tam cấp và đường đi…
Đặc biệt hơn cả là các công trình giai đoạn sau có cấu trúc mặt bằng hình chữ Vương và là Thái miếu có mặt bằng hình chữ Vương còn nguyên vẹn nhất trong các kiến trúc thời Trần được tìm thấy cho đến nay.
Thái miếu đã được địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trùng tu, tôn tạo trên nền kiến trúc gốc của di tích nằm trên đồi Đình.
Tuy nhiên, vị trí công trình nằm lùi về phía sau so với mặt bằng di tích gốc, với mục tiêu sau này sẽ tiếp tục bảo tồn mặt bằng kiến trúc gốc phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghiên cứu và giáo dục di sản cho các thế hệ.
Công trình có tổng diện tích 4,74ha, ngoài khu vực đầu tư phục hồi, tôn tạo lại Thái miếu còn có khu vực bảo tồn nền móng khảo cổ và khu vực phát huy giá trị di tích, cây xanh cảnh quan, với tổng mức đầu tư 103,9 tỷ đồng, do thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư.
Sau khi khởi công trùng tu, tôn tạo Thái miếu vào tháng 9/2014, đến nay, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành với nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hoá trị giá gần 70 tỷ đồng, gồm: Nhà Thái miếu và phần nội thất thờ tự; nhà khách, thủ từ; am hóa vàng; nhà quản lý, dịch vụ và các công trình phụ trợ; hệ thống sân vườn; bãi đỗ xe và các hạng mục hạ tầng khác.
Thái miếu được bố cục kiểu chữ Công, làm bằng gỗ nhóm I, mái lợp ngói mũi sen, nền lát gạch bát, chân tảng được chế tác bằng đá xanh nguyên khối.
Hình thức kiến trúc, bài trí thờ tự được thiết kế phỏng dựng theo lối kiến trúc thời Trần.
Sau khi hoàn thành, Thái miếu sẽ là điểm đến nhiều ý nghĩa trong hành trình của nhân dân và du khách về với quần thể di sản linh thiêng của nhà Trần tại Đông Triều.
Đồng thời góp phần quảng bá, thúc đẩy sự phát triển của du lịch tâm linh trên địa bàn.
Ngay sau lễ khánh thành Thái miếu, các đại biểu đã tham gia chương trình phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ ngay tại khuôn viên di tích.
Trong buổi sáng, các đại biểu đã trồng vườn cây mai vàng Yên Tử phía trước nghi môn Thái miếu.