Tinh hoa Việt

Khát khao cống hiến

THANH HÀ 12/02/2024 13:16

Những vận động viên người Việt sống xa Tổ quốc luôn mang đến một làn gió mới cho đoàn thể thao Việt Nam và đi kèm với đó là khát khao cống hiến.

1.jpg
Bóng đá Việt Nam từ cấp câu lạc bộ tới các lứa tuyển cũng cần không ngừng tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt kiều thử sức, thi đấu làm quen.

Làn sóng mới

Bóng đá đi sớm về việc thu hút nguồn lực cầu thủ người Việt Nam sống xa Tổ quốc, nhưng không nhiều người có được thành công và nổi tiếng.

Câu chuyện nhập tịch và sử dụng nguồn lực các cầu thủ người Việt sống ở nước ngoài luôn là bài toán được đặt ra trong nhiều năm nay và những người đã gặt hái được thành công thời gian gần đây chỉ có Đặng Văn Lâm, Adriao Schmidt (Bùi Đức Duy), Mạc Hồng Quân, Martin Lò và mới nhất là Fillip Nguyễn được gọi lên tuyển Việt Nam….

Văn Lâm là một trong những cái tên hiếm hoi “trụ lại” được với bóng đá Việt Nam sau một chặng đường mà chính thủ thành sinh năm 1993 cũng phải thốt lên là “kỳ diệu”.

Anh là ngôi sao người Việt sống xa Tổ quốc thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Đặng Văn Lâm được gọi lên tuyển Việt Nam bắt đầu từ năm 2016. Trong 7 năm qua, Văn Lâm cũng từng trải qua 2-3 lần trắc trở trong việc chứng minh và giữ được vị trí số 1 trong khung gỗ đội tuyển quốc gia. Con số 42 lần ra sân là phần thưởng cho nghị lực và sự kiên trì của thủ thành Văn Lâm.

Đến thời điểm này, ngoài Văn Lâm thì có 2 trường hợp tiêu biểu nhất, khác biệt so với phần còn lại là thủ môn Filip Nguyễn của Công an Hà Nội và Patrik Lê Giang của TPHCM. Họ thật sự đóng góp lớn vào thành tích của 2 đội bóng trên những thang mục tiêu khác nhau.

Trong đó, việc Fillip Nguyễn trở về nước đã giành được chức vô địch V.League và được triệu tập lên tuyển Việt Nam tham dự Asian Cup 2023 đang đem lại rất nhiều sự kỳ vọng và hứng khởi.

Một cầu thủ người Việt sống xa Tổ quốc muốn thành danh ở Việt Nam cũng vô cùng khó khăn, chứ không phải chỉ cần đào tạo tốt ở một môi trường nước ngoài danh giá là về nước chắc chắn sẽ thành công. Dù có nền tảng tốt ở nước ngoài, cầu thủ ấy cũng cần sự nỗ lực không ngừng, cần tình yêu lớn với bóng đá Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, bóng đá Việt Nam từ cấp câu lạc bộ tới các lứa tuyển cũng cần không ngừng tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt kiều thử sức, thi đấu làm quen…

Sự thành công của Filip Nguyễn sẽ là động lực rất lớn để những cái tên vẫn còn trong “bóng tối” bước ra, trở về Việt Nam. Filip Nguyễn nhiều khả năng sẽ trở thành “người gác đền” số 1 của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2023 trên đất Qatar.

Nếu thủ môn sinh năm 1992 thi đấu thành công, đó có thể là tín hiệu mở đường để các nhân tố khác tìm về và cống hiến cho đội tuyển Việt Nam.

Sau khi Nguyễn Filip có được quốc tịch Việt Nam và khoác lên mình màu áo đội tuyển quốc gia tham dự Asian Cup, cái tên nhập tịch tiếp theo mới đây đã lộ diện. Đó là thủ môn Patrik Lê Giang. Theo thông tin có được, cầu thủ sinh năm 1992 đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để có thể thi đấu như một nội binh tại V.League trong thời gian tới.

Nguồn nhân lực quan trọng

Có thêm một “làn sóng” các cầu thủ người Việt sống xa Tổ quốc trở về Việt Nam sẽ là động lực rất lớn cho bóng đá Việt phát triển hơn. Sau khi thủ môn Filip Nguyễn chính thức có quốc tịch Việt Nam và được huấn luyện viên Philippe Troussier triệu tập tham dự Asian Cup 2023, dư luận trong nước và quốc tế gần như sục sôi và chú ý nhiều hơn vào các nhân tố Việt kiều đang thi đấu trên khắp thế giới.

Hàng loạt cái tên ở nhiều lứa tuổi đang được đề cập như một nguồn lực đáng chờ đợi cho bóng đá tại dải đất hình chữ S. Trên thực tế, kể từ khi se duyên với bản hợp đồng 3 năm cùng bóng đá Việt Nam, ông Troussier đã vạch ra cả bảng danh sách các cầu thủ Việt kiều có tiềm năng trên khắp thế giới để theo dõi.

Tôi tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt Nam. Được chơi cho đội tuyển Việt Nam là giấc mơ của tôi và cha tôi. Mọi người trong gia đình đều luôn ủng hộ quyết định của tôi. Cha tôi luôn muốn tôi về Việt Nam chơi bóng và giờ thì điều đó thành sự thật. Điều đó rất tuyệt. Hãy cùng chờ đợi xem tương lai sẽ mang tới điều gì.

Patrik Lê Giang

Trường hợp của Andrej Nguyễn An Khánh là ví dụ về sự coi trọng của chiến lược gia người Pháp với các “nhân tố lạ”.

Hồi tháng 6/2023, An Khánh cũng được triệu tập lên U18 Czech và cả U23 Việt Nam. Thời điểm đó, An Khánh được đích thân huấn luyện viên Phillipe Troussier đề xuất triệu tập bổ sung cho U23 Việt Nam.

Vì vậy gia đình An Khánh đã trao đổi với U18 Czech để có thể đưa cầu thủ này về nước thử sức. Trong thời gian tập trung cùng U23 Việt Nam, An Khánh để lại ấn tượng với lối chơi bóng hiện đại ở vị trí tiền vệ công và chạy cánh trái.

Rõ ràng, đây là nguồn lực tiềm năng mà môn thể thao vua tại dải đất hình chữ S có thể khai thác, nhằm nâng tầm chất lượng đội bóng.

Việc ông Troussier gọi Nguyễn An Khánh vào đội tuyển có lẽ cũng là phương pháp tạo hiệu ứng đến các cầu thủ Việt kiều khác, đang quan tâm đến đội tuyển Việt Nam, rằng cửa vào đội tuyển luôn rộng mở với cầu thủ gốc Việt trên toàn thế giới, miễn là họ chứng minh được họ xứng đáng. Mong rằng, với định hướng mạnh mẽ của ông Troussier về nguồn lực cầu thủ người Việt sống xa Tổ quốc, chúng ta sẽ có thêm nhiều cầu thủ ngôi sao, chất lượng ở nhiều vị trí và đóng góp thêm nhiều sức mạnh cho tuyển Việt Nam.

Không chỉ có môn thể thao vua, nhiều người Việt sống xa quê hương đã đóng góp sức mình cho thành công của thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 32, lần đầu tiên đội tuyển bóng rổ Việt Nam tạo nên lịch sử khi giành tấm huy chương Vàng ở nội dung 3 đấu 3 nữ, và cũng là tấm huy chương Vàng đầu tiên của bóng rổ nước nhà.

Chắc chắn, kỳ tích đó sẽ không thể xảy ra nếu trong đội hình 3 người không có cặp song sinh Trương Thảo My và Trương Thảo Vy. Sinh ra tại Mỹ nhưng bố mẹ là người Việt Nam, chị em My và Vy đã tập bóng rổ từ nhỏ, trưởng thành và phát triển rất nhanh ở môi trường bóng rổ học đường Mỹ.

Nhận lời mời gọi của lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam, Thảo My và Thảo Vy đã về nước tham gia vào đội tuyển bóng rổ. Những bước đi bóng thần tốc, những cú ném "thần sầu" đem lại sự thăng hoa trong cảm xúc của các cô gái Đội tuyển Bóng rổ 3x3 Việt Nam tại SEA Games 32 đã đem lại sức sống mới cho bóng rổ Việt Nam.

Chiến thắng của họ không chỉ làm nức lòng người hâm mộ, sự khâm phục của giới chuyên môn mà còn đem lại những giá trị lớn cho phong trào bóng rổ Việt Nam. Các vận động viên Việt kiều nếu mong muốn được về đóng góp cho quê hương thì thể thao Việt Nam sẵn sàng chào đón. "Các vận động viên Việt kiều cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của thể thao Việt Nam" - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Nguồn lực từ người Việt sống xa đất nước cho thể thao đỉnh cao không thiếu. Cho dù Việt Nam không có chính sách nhập tịch vận động viên để mưu cầu thành tích, nhưng thực tế cho thấy ngày càng nhiều người Việt sống xa Tổ quốc mong muốn được thi đấu cho đất nước. Hơn nữa, một khi họ đã có quốc tịch Việt Nam và mang dòng máu Việt trong người thì không có lý do gì để từ chối nguyện vọng cống hiến của họ.

Tuy nhiên, nguồn lực này vừa là lợi thế lớn để thể thao Việt Nam có thể vươn tầm thế giới, nhưng cũng là một bài toán đặt ra cho những nhà quản lý trong việc vừa tận dụng tốt nguồn lực trên nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến tiến trình phát triển thể thao quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát khao cống hiến