Trong bối cảnh cả nước đang tinh gọn tổ chức bộ máy, “tăng tốc” phát triển kinh tế - xã hội để bước vào kỷ nguyên mới, nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của đất nước.
Dồn sức cho nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực chất lượng cao càng quan trọng khi đặt trong bối cảnh năm 2025 đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà hướng tới tăng trưởng “2 con số” trong những năm tiếp theo để thực hiện ước vọng của cả dân tộc phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao.
Chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chỉ rõ: Việc thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao có nguy cơ tạo thành điểm nghẽn. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bảo đảm nguồn lực, nhân lực để triển khai Nghị quyết 57 đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời Tổng Bí thư yêu cầu: “Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách, thu hút, phát triển nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số”.
Có thể thấy, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đang “khát” hơn bao giờ hết. Vì thế hiện đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” đang triển khai tổ chức đi giám sát tại 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Trà Vinh. Đây cũng là nội dung giám sát duy nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2025.
Dự kiến đoàn sẽ báo cáo kết quả giám sát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 8/2025.
Báo cáo sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành rà soát, sơ kết, tổng kết một số Luật, Nghị định và tham mưu ban hành hoặc sắp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và các đề án đào tạo nguồn nhân lực nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, quy mô đào tạo thạc sĩ năm 2024 có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm 2023; quy mô đào tạo tiến sĩ năm 2024 bắt đầu tăng mạnh ở tất cả các khối ngành so với năm 2023, trong đó phải nói đến sự tăng mạnh nhất của khối ngành Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng tăng 637 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 33,32% so với năm 2023, khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 390 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 57,52%, khối ngành Đào tạo giáo tăng 350 nghiên cứu sinh với tỷ lệ tăng 51,32%. Tính đến năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đi đào tạo trình độ tiến sĩ tổng số 496 người, gồm 297 người đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian trong nước và 199 người đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở nước ngoài.
Tập trung đầu tư thu hút chuyên gia
Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: Luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử-viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).
Đồng thời, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp sản xuất rô - bốt, ô - tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa.
Song vấn đề được đặt ra là làm sao có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng kịp thời để phục vụ cho tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ nay đến năm 2045.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDLATEC GROUP; Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ và đào tạo MEDLATEC GROUP nhấn mạnh: “Chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao”. Dẫn chứng ngay bản thân Tập đoàn của ông cũng đang phải tập trung đầu tư thu hút, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao là các chuyên gia từ các nước đến làm việc, ông Trí nêu quan điểm, để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, cần phải ưu tiên và coi thu hút, thuê chuyên gia giỏi từ các nước đến với Việt Nam là một trọng tâm. Cho dù khó và tốn kém thì cũng phải làm. Đặc biệt, chúng ta không chỉ chú trọng thuê chuyên gia giỏi đến để làm việc mà cần quan tâm thuê họ để họ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Bên cạnh đó phải quan tâm đến đào tạo trong nước, đẩy mạnh số lượng nhưng phải nâng cao chất lượng. Việc này không phải ngày một ngày hai có thể làm được mà cần có thời gian. Ông Trí cũng cho rằng, phải tạo ra các cơ chế để khuyến khích người năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngừng học tập để nâng cao trình độ. Trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay phải giữ bằng được người tài, không để chảy máu chất xám, đồng thời cương quyết “loại” người không chịu học tập nâng cao trình độ, tránh việc tinh gọn thì người tài xin ra đi, còn người yếu kém thì ở lại.
Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, Chủ tịch hội Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam - TP Hồ Chí Minh Lê Như Hùng cho rằng, nền kinh tế nước ta phải được định hướng lại theo hướng phát triển và thực hiện sản xuất trên quy mô lớn nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Để làm được điều này, cần phải thực hiện hàng loạt chương trình và hành động nhằm kích thích hoạt động đổi mới sáng tạo. Ở nước ta, chưa hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở cấp độ mà nhiều nước phát triển đã thực hiện. “Nếu thiếu những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng hiện tại thì không thể hy vọng vào các chuyển biến tích cực của nền kinh tế” - ông Hùng nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: 3 cách để có nguồn nhân lực chất lượng cao
Chúng ta đã ban hành nhiều đề án, chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng trước đòi hỏi, yêu cầu của thời kỳ mới thì nguồn nhân lực chất lượng cao càng được đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết. Hiện nay chúng ta đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực ở các ngành: công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, hạt nhân.
Hiện chúng ta chưa chuẩn bị một cách đầy đủ về nguồn nhân lực chất lượng cao. Có 3 cách để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ nhất, phải đào tạo nhưng đây là câu chuyện không phải ngày một, ngày hai mà liên quan đến chiến lược, chính sách và cần có thời gian. Vì đào tạo bậc đại học đã mất 4 - 5 năm trong khi với nguồn nhân lực chất lượng cao thì quá trình đào tạo còn cao hơn.
Thứ hai, phải thuê chuyên gia là nguồn nhân lực chất lượng cao, và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia trở về Việt Nam làm việc. Đây là nguồn nhân lực tương đối dồi dào. Thứ ba, phải thu hút đội ngũ chuyên gia của các nước trên thế giới đến Việt Nam để làm việc và cống hiến cho Việt Nam. Muốn thu hút thì đều liên quan đến chế độ chính sách, môi trường làm việc, phải đủ sức hấp dẫn mới thu hút được họ. Trong thời gian chúng ta chưa đào tạo đủ nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc thu hút, và thuê rất là quan trọng. Nhưng về lâu dài, phải chủ động trong nguồn nhân lực, có nghĩa là nâng cao công tác đào tạo, không những đào tạo trong nước mà phải có chiến lược hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.