Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông

THÀNH LUÂN 30/04/2023 14:00

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp một số nhân chứng, những người không chỉ chứng kiến mà còn góp phần mình vào sự kiện trọng đại ấy. Thời gian làm bạc mái đầu, nhưng trong họ nhiệt huyết vẫn như xưa. Và kỷ niệm lại ùa về với những bồi hồi, xúc động...

Nhân dân Sài Gòn míttinh chào mừng Ủy ban quân quản thành phố ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh: Minh Lộc/TTXVN.

Đến nay đã gần 50 năm sự kiện lịch sử Chiến thắng 30/4/1975, thế nhưng nữ tù binh Trần Duy Phương (SN 1950, quê Quảng Nam) vẫn nhớ như in những giờ phút hạnh phúc và tự do trong ngày được trao trả tù binh. Bà là một trong hơn 900 nữ chiến sĩ cách mạng từng bị giam giữ ở Trại giam Phú Tài (Bình Định), sau chuyển vào Cần Thơ và được trao trả tại chiến trường Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Bà kể, khi bị sa vào tay giặc, phải khoác lên người chiếc áo tù binh, mỗi chiến sĩ cách mạng đều xác định và chuẩn bị tư tưởng “trường kỳ nơi tù ngục”. Nhưng vào tháng 5/1972, trước việc địch di chuyển toàn bộ nữ tù binh ở Phú Tài vào Cần Thơ và những tin tức chiến thắng dồn dập từ bên ngoài đã báo hiệu cho nữ chiến sĩ Trần Duy Phương và đồng đội về ngày toàn thắng của quân ta không còn xa nữa. Và, cho đến ngày được tin Hiệp định Paris ký kết, tất cả những nữ chiến sĩ kiên cường ấy phơi phới, xúc động, xen lẫn tự hào.

“Chúng tôi vẫn nhớ như in vào chiều 14/2/1973, địch cho điểm danh sớm hơn thường lệ. Thiếu tá tên Hoạt vào gặp chị em chúng tôi với vẻ trịnh trọng. Ông ta thông báo ngày mai chúng tôi sẽ được trao trả về với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhưng không cho biết địa điểm trao trả” - bà Phương bồi hồi nhớ lại.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975.

Sáng 15/2/1973, tù nhân được gọi điểm danh sớm. Trong 105 người của chuyến đầu tiên, có nữ tù binh Trần Duy Phương. “Từ trại giam chúng tôi được chở trên 4 chiếc xe GMC để ra sân bay. Chúng tôi cùng hát vang những bài ca cách mạng” - bà Phương kể. Khi được đưa vào tạm nghỉ trong những căn nhà lá sơ sài ở căn cứ Tây Ninh được dựng vội để đón tiếp những người chiến thắng trở về, nước mắt tôi cứ chực tuôn trào. “Hơn lúc nào hết mới thấy thấm thía câu nói của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - bà Phương bồi hồi nhớ lại.

Bà Võ Thị Bạch Tuyết (SN 1948) - một nữ cựu tù, từng lãnh đạo phong trào đốt nhiều xe quân sự của Mỹ trên đường phố Sài Gòn, bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Dưới sự chỉ huy của bà, hoạt động trong học sinh, sinh viên Sài Gòn lúc ấy rất sôi nổi. Không chỉ chỉ huy, thủ lĩnh của phong trào sinh viên, bà còn tham gia nhiều trận đánh, gây thiệt hại rất nhiều cho phía địch. Đến tháng 5/1972, bà Tuyết và một số đồng đội trong phong trào bị địch bắt. Qua khám xét, địch bất ngờ khi tìm được một cuốn sổ tay bà đã ghi những trận bà trực tiếp tham gia hay chỉ huy và tổng số xe bị đốt lên tới 117 chiếc. Khi ra tòa, bà Tuyết đã bị địch tuyên án tử hình và đày ra Côn Đảo chờ ngày thi hành án. Cho tới ngày đất nước thống nhất, bà Tuyết trở về với thân hình mang đầy dấu vết của những cuộc tra tấn dã man, những đòn hành hạ của kẻ địch. Thế nhưng, bà vẫn lao vào với công việc mới do cánh mạng giao, trở thành thủ lĩnh trong lực lượng Thanh niên xong phong TPHCM cho đến lúc nghỉ hưu.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng đội ôn lại ký ức hào hùng ngày 30/4 lịch sử.

Nói về những nữ chiến sĩ “bộ đội Cụ Hồ” hoạt động thầm lặng nhưng chiến công hiển hách không thể không kể đến những nữ biệt động Sài Gòn. Một lực lượng đặc biệt bí mật, hoạt động dũng cảm, kiên cường, mưu trí và là lực lượng trực tiếp tham gia vào các trận đánh từ giai đoạn Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975...

Trong số những nhân sĩ, trí thức gắn bó với Ủy ban MTTQ TPHCM, chúng tôi từng được gặp gỡ và lắng nghe những góp ý, tâm tư của TS Hồ Hữu Nhựt (83 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Gần đây, khi tuổi cao, sức yếu, ông dành nhiều thời gian hơn tại tư gia ở huyện Nhà Bè (TPHCM), cùng vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Tiên, cũng nguyên là một cán bộ của Ban Dân y miền Nam.

Vào mỗi dịp đến thăm, nhiều người không khỏi xúc động, tự hào về tình yêu của hai người đồng đội, đồng chí cùng trải qua bom đạn chiến tranh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi lần nhắc đến ngày 30 tháng 4, ông Hồ Hữu Nhựt vẫn nhớ như in những kỷ niệm sục sôi của Sài Gòn gần 50 năm về trước. Ông kể, lúc ấy trong phong trào của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn rất sôi nổi, trong đó có bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm là cựu Chủ tịch Tổng hội và bác sĩ Nguyễn Huy Diễm là cựu Chủ tịch Sinh viên Đoàn Y khoa, Trường Đại học Sài Gòn. Sau này, cả ba đồng đội lại gặp nhau và tham gia vào Câu lạc bộ những người kháng chiến ngay từ những ngày đầu thành lập (tháng 9/1986).

“Tấm lòng của vợ chồng bác sĩ Diễm, đã dành tặng căn nhà của mình ở Cần Giuộc, tỉnh Long An để làm Nhà lưu niệm phong trào nhân sĩ và sinh viên học sinh yêu nước miền Nam trước 1975 thật đáng quý biết bao. Những chứng nhân lịch sử, giờ đây nhiều người đã mất, người còn cũng đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, thế nên địa chỉ đỏ này rất quý giá, vừa là nơi anh em chúng tôi trở về họp mặt ôn lại truyền thống kháng chiến, cũng vừa là điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ” - ông Nhựt xúc động nói.

Cũng như TS Hồ Hữu Nhựt, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (95 tuổi, bí danh Tư Cang) là Cụm trưởng Cụm tình báo đầu tiên (H63), ông coi Chiến dịch Hồ Chí Minh là di sản vĩ đại về chiến tranh nhân dân của dân tộc ta. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, Đại tá Tư Cang với vai trò là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, đơn vị tấn cống cầu Rạch Chiếc, một trận đánh quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Nhớ về ngày 30/4 lịch sử ấy, nhà tình báo bồi hồi xúc động: “Buổi sáng khi lực lượng cách mạng tiến vào Sài Gòn, tôi đang ở Hóc Môn và có nhiệm vụ dẫn một số cánh quân của ta vào trung tâm Sài Gòn. Đến chiều tối, khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi liền chạy xe Jeep về khu vực Thị Nghè (nay là quận Bình Thạnh, TPHCM) để gặp vợ sau nhiều năm xa cách. Chúng tôi gặp lại trong niềm vui chiến thắng khó có thể tả xiết”.

Niềm vui của những nhân chứng lịch sử cũng là niềm tự hào của các thế hệ thanh niên sau năm 1975 và thế hệ trẻ hôm nay. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp này, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Minh (SN 1957, hiện sinh hoạt tại Đảng bộ phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM) lại nhớ về cha mình và các thế hệ cha anh đã chiến đấu vì tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là động lực để ông tình nguyện tham gia nhập ngũ vào ngày 24/7/1977, được Đảng, Nhà nước, Quân đội vinh danh với nhiều Huân huy chương cao quý.

Ông Minh nói, những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong thế kỷ 20, nhất là Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 cần phải được gìn giữ mãi mãi, để các thế hệ kế tiếp hiểu và tự hào về lịch sử dân tộc và những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc mình.

Mỗi câu chuyện, mỗi nhân chứng lịch sử đều là những di sản rất quý báu cho thế hệ trẻ để bồi đắp tình yêu nước và tự hào về cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông