Nhà văn Trần Mai Hạnh vừa vinh dự nhận giải thưởng văn học ASEAN (South East Asian Writers Awards) năm 2015 với tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Như vậy, sau giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam 2014, cuốn biên niên sử sống động ghi lại những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trong cuộc chiến cách đây hơn 40 năm đã tiếp tục được vinh danh ở một giải thưởng văn học có uy tín trong khu vực.
Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành tới chúc mừng nhà văn Trần Mai Hạnh.
Tại buổi lễ vinh danh, Công chúa Thái Lan Sirivannavari Nariratana đã trao Giải thưởng văn học ASEAN năm 2015 cho 8 nhà văn, nhà thơ của các nước trong khu vực có mặt đến dự.
Giải thưởng Văn học ASEAN (S.E.A Writers Awards) do Hoàng gia Thái Lan bảo trợ sáng lập từ năm 1979 và trao giải hàng năm nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ có sáng tác văn học tiêu biểu tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài tôn vinh các nhà văn, nhà thơ về những đóng góp của nền văn hóa mỗi dân tộc, Giải thưởng Văn học ASEAN còn là biểu hiện đẹp đẽ của tinh thần cùng tồn tại trong hòa bình, cùng phát triển trong ổn định, cùng thịnh vượng trong hài hòa của cộng đồng các nước ASEAN.
Tính từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã có 18 nhà văn, nhà thơ vinh dự được trao Giải thưởng Văn học ASEAN, gồm có: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Inrasana (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009), Nguyễn Nhật Ánh (2010), Nguyễn Chí Trung (2011), Trung Trung Đỉnh (2012), Thái Bá Lợi (2013), Thanh Thảo (2014) và Trần Mai Hạnh (2015).
Được biết, Hội đồng Giải thưởng Văn học Đông Nam Á của Hội Nhà văn Việt Nam gồm toàn thể Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng Chủ tịch 4 Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành (Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch) trong phiên họp ngày 22/10/2015 đã thảo luận, bỏ phiếu kín và với 100% số phiếu bầu, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm duy nhất được đề cử đại diện cho văn học Việt Nam vinh danh và nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm tiểu thuyết tư liệu lịch sử của Việt Nam đoạt Giải thưởng Văn học ASEAN. Hi vọng, công chúng Thái Lan cũng như trong khối ASEAN sẽ có điều kiện tiếp cận tác phẩm và qua đó, hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước.
Trong lời phát biểu tại Lễ trao giải, nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ: “…Cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tôi được vinh danh trong khung cảnh trang trọng của Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, đã làm thức dậy ký ức về cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những hy sinh to lớn với tinh thần quả cảm để có được nền hòa bình và thống nhất đất nước. Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi và trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang trĩu nặng lo âu vì những tham vọng, chiến tranh và xung đột...”.
Bút tích đề tặng sách Công chúa Thái Lan của tác giả Trần Mai Hạnh.
Trong khuôn khổ của Lễ trao giải thưởng văn học ASEAN 2015 tổ chức tại Bangkok, theo nghi lễ Hoàng gia nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh đã trân trọng tặng 2 cuốn sách: một cuốn dành tặng Công chúa để đưa vào Thư viện Hoàng gia Thái Lan; một cuốn để đưa vào Thư viện Quốc gia Thái Lan. Sách đề tặng có chữ ký tác giả Trần Mai Hạnh được viết bằng tiếng Anh với nội dung như sau: “Với sự kính trọng Hoàng gia Thái Lan đã sáng lập Giải thưởng Văn học ASEAN và trao vinh dự cho tôi, xin gửi tới Công chúa Sirivannavari Nariratana kính mến “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Hy vọng những sự thật lịch sử từ 40 năm trước được phục dựng trung thực sẽ góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp của cuộc sống hiện tại và tương lai”.
Viết đến đây tôi lại nhớ tới cuộc trò chuyện với tác giả cuốn tiểu thuyết cách đây ít lâu, khi ông chính thức nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014. Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã chia sẻ: Khi bắt tay viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4. 75”, ý định lúc đầu không phải nhằm xây dựng một tác phẩm văn học, và càng không phải nhằm mục đích thi thố tài năng văn chương.
Để hoàn thiện một tiểu thuyết lịch sử, ông đã phải dày công sưu tầm, nghiên cứu tư liệu và mất tới 4 thập kỷ. Sách được ra đời gần 40 năm sau, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập mà ông bảo mình “may mắn” được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc. Vì thế, ông cũng cho rằng đối với một người không phải là hội viên Hội Nhà văn như ông mà được trao giải của Hội là một giấc mơ có thật.
Sau lần tái bản cuốn sách vào tháng 4/2015 (bổ sung giới thiệu tới bạn đọc thêm gần 200 trang với 21 thư mục tài liệu quý), tới đây vào đầu năm 2016 cuốn sách sẽ tiếp tục được tái bản. Và tác giả Trần Mai Hạnh cũng cho hay trong vòng 5 năm sau sẽ tiếp tục bổ sung cuốn sách này, có thể sẽ là 1.000 trang, trong đó đầy đủ những tư liệu về cuộc chiến mà ông dày công sưu tầm được.
Tất nhiên, sẽ chỉ bổ sung phần phụ lục mà không bổ sung phần nội dung. Bởi theo ông, chỉ khi bạn đọc đã chấp nhận phần đầu rồi họ mới đọc tiếp phần sau. Ông tin cuốn biên niên sử này cũng chính là một thứ lô-gich: Lô-gich của lịch sử, của văn chương, và nhìn rộng ra là lô-gich của cuộc đời.
Liên lạc với tác giả Trần Mai Hạnh, ông cho biết hiện vẫn đang ở Bangkok để dự các hoạt động trong Tuần lễ giải thưởng văn học ASEAN. Hoạt động này sẽ còn kéo dài tới ngày 18/12 mới kết thúc.