Nghệ sĩ Ưu tú, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật cho chùm tác phẩm múa: “Hoàn lương”, “Mùa phượng cháy”, “Tình đời”.
Chị mong tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, đồng thời kết nối nhiều hơn với các nghệ sĩ trẻ để cùng góp sức sáng tạo cho ngành công nghiệp văn hóa.
Tạo luồng gió mới
Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống tuồng cổ, Tuyết Minh có cơ hội làm quen với sân khấu từ khi còn nhỏ. Tình yêu nghệ thuật đã sớm nhen nhóm và trở thành hoài bão khiến cô bé đam mê nhảy múa chọn theo học múa ballet tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Đó là dấu mốc khởi đầu khiến Tuyết Minh theo đuổi nghiệp múa.
Tuyết Minh bước vào nghề từ năm 2000 với vở diễn ballet “Kẹp hạt dẻ” của biên đạo Phillip Cohen. Vốn là người khắt khe và cầu toàn với “những đứa con tinh thần” của mình, năm 2001, trong Cuộc thi Tài năng múa trẻ, Tuyết Minh đã gây chú ý trong giới làm nghề khi tự mình dàn dựng tiết mục thi mà không nhờ tới các biên đạo tên tuổi. Tiết mục “Trần Quốc Toản” do chính chị biên đạo và sáng tạo, kết hợp giữa múa với vũ đạo tuồng cổ đã mang lại nhiều cảm xúc mới lạ cho khán giả và ban giám khảo.
Thành công bước đầu đã tạo động lực để chỉ một năm sau đó Tuyết Minh bứt phá mạnh mẽ với vở ballet kinh điển “Carmen”. Chị đã gây tiếng vang trong lĩnh vực nghệ thuật múa bởi dám đụng đến một tác phẩm kinh điển của thế giới, thậm chí còn Việt hóa khá nhiều chi tiết, trong khi ngay những đơn vị nghệ thuật lớn của Việt Nam cũng chưa dám dàn dựng. Nhớ lại khi đó Tuyết Minh phải xin Ban Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho phát hành thêm vé đứng.
Thành công nối tiếp, năm 2003, Đoàn múa Khám phá ra đời - một đơn vị xã hội hóa hoạt động với tiêu chí mang hơi thở đương đại của múa đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, Tuyết Minh đã về đầu quân cho Khám phá. Tại đây, chị cùng đồng nghiệp sáng tạo nhiều vở diễn nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, được khán và giới nghệ thuật đánh giá cao.
Bước đi đó, quyết định táo bạo đó đã khiến cho một loạt vở múa dàn dựng theo phong cách thử nghiệm được Tuyết Minh trình làng như: “Quan âm Thị Kính”, “Chiến thắng mùa hoa đào”, “Hai người bạn”, “Bên trong - Bên ngoài”, “Con tạo xoay”… và đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả cùng những người làm nghề. Có thể nói, sức trẻ và sự nhiệt huyết cháy bỏng của Tuyết Minh đã tạo ra một luồng gió mới cho nghệ thuật múa.
Nhiều người ngỡ Tuyết Minh thành danh sớm là do vốn sẵn năng khiếu thiên bẩm, nhưng thực sự năng khiếu chỉ là nền móng mà thôi, sự phấn đấu liên tục của người nghệ sĩ mới là sức bật của thành công.
Nhận thấy tài năng và đam mê cháy bỏng của nghệ sĩ trẻ Tuyết Minh, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace) đã cử Tuyết Minh sang Pháp học tập và làm việc. Được học hỏi, làm việc với các biên đạo tài năng của thế giới, Tuyết Minh thấy được sự thú vị trong cách họ làm xã hội hóa nghệ thuật.
Điều này khiến chị trăn trở, muốn đưa xã hội hóa vào nghệ thuật múa, dẫu biết rằng điều đó rất vất vả vì vừa phải sáng tạo nghệ thuật, vừa phải tìm nguồn kinh phí. Nghĩ là làm, khi đang ở đỉnh cao thành công với vị trí diễn viên, Tuyết Minh lùi về làm biên đạo, đứng sau những vở diễn, rồi giảng dạy tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, giữ vị trí Phó Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm, rồi sau đó là chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhiều người cho rằng như thế là thiệt thòi, nhưng với Tuyết Minh, đó là cơ hội và bước đệm để chị có thể thỏa ước mơ xã hội hóa nghệ thuật và mang múa đến gần hơn với công chúng.
Chính vì vậy, khán giả thấy chị xuất hiện ở những vai trò mới như là giám khảo trách nhiệm, uy tín suốt 4 mùa của chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” (So you think you can dance); Giám khảo của "Thần đồng âm nhạc" - Wonderkids; Khởi xướng hàng loạt các dự án như "Chương trình Festival Múa"... Có cơ hội ở những vị trí mới ấy, Tuyết Minh chợt nhận ra rằng Việt Nam chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ múa giỏi, nhưng rồi họ cứ mai một tài năng do không có môi trường phù hợp và sân chơi lâu dài. Bất cập đó khiến chị luôn cảm thấy day dứt và đi đến quyết định vô cùng táo bạo là tạo ra tour lưu diễn S-Dance Tour 2016.
Chị đã tập hợp những tài năng nhảy, múa của Việt Nam, đưa họ đi biểu diễn khắp nơi trên toàn quốc, nhằm tạo sân chơi cho giới trẻ, truyền cảm hứng và quảng bá nghệ thuật múa Việt Nam tới khán giả trong và ngoài nước. Quả thực, S-Dance Tour đã tạo ra “làn gió mới” trong lĩnh vực nghệ thuật, khiến cho khán giả có cái nhìn gần gũi hơn, sâu sắc hơn về nghệ thuật múa Việt Nam.
Tới năm 2017 Tuyết Minh tiếp tục thử sức mình bằng việc cho ra đời tác phẩm kết hợp giữa nhảy múa, xiếc, nghệ thuật sắp đặt và âm nhạc mang tên “Úm ba la”. Chị luôn tự nhủ, làm nghệ thuật phải quyết liệt và chấp nhận thử thách để luôn làm mới bản thân và không lặp lại chính mình.
Tiên phong trong xã hội hóa nghệ thuật múa
Có thể nói, biên đạo Tuyết Minh là nghệ sĩ tiên phong trong xã hội hóa nghệ thuật múa, trong hành trình đưa múa đến gần hơn với khán giả. Dẫu biết rằng đi trên con đường ấy sẽ gặp nhiều chông gai.
Năm 2018, cái tên Tuyết Minh và đứa con tinh thần của chị - tác phẩm “Mỵ” lại gây tiếng vang. “Mỵ” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và đã được hồi sinh đầy mới mẻ bằng thứ ngôn ngữ của hình thể, đó là nghệ thuật múa. Tác phẩm không khắc sâu nỗi đau của nhân vật chính mà làm nổi bật lên một vùng văn hóa Mông. Tác phẩm đã giành giải “Chương trình ấn tượng và biên đạo múa xuất sắc” tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. Sau đêm diễn, rất nhiều tour du lịch đã đặt hàng biểu diễn “Mỵ” trong cả một năm khiến cho tác phẩm được đến gần hơn với khán giả.
Năm 2019, Tuyết Minh lại một lần nữa khiến những người làm nghề và khán giả phải trầm trồ khi làm “sống lại” kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du thông qua kịch múa ballet "Kiều”. Ở tác phẩm này, Tuyết Minh đặt vấn đề khá ấn tượng bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologame, trong đó cảnh múa ballet dưới nước, diễn viên và ekip ghi hình phải đầm mình 7 - 8 tiếng giữa mùa đông Hà Nội.
Đặc biệt, biên đạo Tuyết Minh đã sáng tạo tìm ra phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, và vốn múa dân gian để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở Kiều. Các yếu tố tưởng chừng như tương phản nhưng lại được Tuyết Minh khéo léo sắp đặt rất “vừa vặn”, dễ chịu, khiến các diễn viên có cơ hội thể hiện tốt cảm xúc khi biểu diễn, đồng thời cũng mang đến cho khán giả cả sự thư giãn, lẫn những suy tư trong những triết lý, những thông điệp từ tác phẩm.
Không ngừng nghỉ, ngay trong tâm dịch Covid-19, Tuyết Minh đã cùng 150 nghệ sĩ tham gia vào tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” nhằm lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn, tinh thần lạc quan và ý chí vươn lên cùng nhau chiến thắng dịch Covid-19 của các lực lượng tuyến đầu và nhân dân cả nước. Quả thực, sự lăn lộn với nghề, những gom góp vốn sống và tư duy quan sát tinh tế đã làm nên những vở diễn thành công mang dấu ấn và thương hiệu Tuyết Minh.
Người ta nói rằng, Tuyết Minh quả thực được ông trời “ưu ái” bởi ở chị có sự xinh đẹp, thông minh, tài năng và quyết đoán, con đường nghệ thuật có quá nhiều thành công khi gần 30 năm qua, từ cương vị giảng dạy, biểu diễn, sáng tác và nay là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, với nhiều giải thưởng và thành tích: 26 Huy chương Vàng; 22 Huy chương Bạc; 2 Huy chương Đồng; Giải thưởng Biên đạo múa xuất sắc năm 2009 và 2018; 7 giải thưởng Cuộc thi chuyên ngành múa toàn quốc; 17 giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa hàng năm; 21 Bằng khen các cấp… Đằng sau “thảm đỏ”, “màn nhung” ấy chị đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả và cả những hy sinh lớn lao để được làm nghề một cách chân chính.
Biên đạo múa Tuyết Minh luôn coi múa là hơi thở và cuộc đời, là “người bạn” song hành. Con đường xã hội hóa nghệ thuật múa còn dài và lắm gian nan, nhưng tin rằng những hướng đi mới, những nỗ lực sáng tạo của chị sẽ được khán giả đón nhận.