Sáng 16/6, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Văn kiện Đại hội XIII là sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện tư duy lý luận và thực tiễn mang tầm nhìn chiến lược về sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới, làm sâu sắc hơn chủ trương đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng này phải được thực hiện hiệu quả trong thực tế để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Từ chủ đề cho đến mục tiêu tổng quát thể hiện rất rõ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, dân tộc cường thịnh trường tồn và người dân ấm no hạnh phúc, hạnh phúc - rất rõ ràng”.
Để hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước, Đại hội XIII đề ra 12 định hướng chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, vừa có tính bao quát toàn diện, vừa có các trọng tâm phát triển trên các ngành, các lĩnh vực, các địa phương.
Cụ thể, trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu kết hợp hài hoà, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng, giữa xây dựng với bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị. Cách tiếp cận biện chứng này được thể hiện thống nhất, xuyên suốt trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng, phản ánh đầy đủ các yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó gắn việc dựa vào dân để xây dựng Đảng, công tác dân vận thế nào, công tác kiểm tra, giám sát ra sao gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Lấy ví dụ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, công tác này tiếp tục với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm một cách kiên quyết.
“Tới đây làm thế nào để không thể, không dám, không muốn tham nhũng nữa, hoàn thiện hệ thống pháp luật thế nào để ngăn chặn được tình trạng, nguy cơ vi phạm và quan trọng là chế độ, chính sách thế nào để người ta không muốn tham nhũng.
Những việc làm lâu nay là đúng, mang tính tiền đề, còn căn cốt, xuyên suốt, triệt để chính là việc phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, ông Nguyễn Xuân Thắng nói đồng thời nhấn mạnh việc vận dụng, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn đòi hỏi các tổ chức Đảng, các cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tự giác, đặc biệt là xây dựng chương trình hành động cụ thể.
“Chú ý tinh thần đổi mới sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc, khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong khâu thực hiện, thể chế hoá nghị quyết của Đảng thường gặp phải ở các nhiệm kỳ Đại hội trước”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng phổ biến, học tập, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn, tạo sự đồng thuận, phát sinh tính tích cực của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện các chủ trương lớn theo tinh thần Văn kiện Đại hội trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trọng tâm là xây dựng đất nước theo con đường XHCN trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, huy động nguồn lực cho phát triển để thay đổi nhanh chóng đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.