Sau 10 năm cải tạo, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã “thay da đổi thịt” với dòng nước trong xanh và cảnh quan yên bình hai bên bờ. Tuy nhiên, việc khai thác tối đa tiềm năng du lịch ở đây vẫn là một bài toán khó khi quá trình cải tạo còn dang dở và nguy cơ tái ô nhiễm lại ngày một gia tăng.
10 năm cho hành trình lột xác
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bắt đầu từ năm 1993. Đến tháng 6/2012, dự án được hoàn thành với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Ngân hàng Thế giới là 5.252 tỷ đồng, vốn từ ngân sách thành phố là 3.348 tỷ đồng, cùng hơn 1.600 tỷ đồng chi phí bồi thường giải tỏa hơn 7.000 hộ dân.
Từng là dòng kênh “chết” bốc mùi hôi thối chảy giữa những khu nhà ổ chuột, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nay đã trở nên sạch đẹp và yên bình với hai hàng cây xanh mát. Để có được thành quả đó, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và người dân đã phải trải qua quá trình nỗ lực suốt 10 năm. Sự đổi mới của dòng kênh khiến ai đi ngang qua đường Hoàng Sa – Trường Sa không khỏi ngạc nhiên.
Dòng nước trong và cảnh quan xanh hai bên bờ tạo điều kiện cho người dân có một môi trường sống và sinh hoạt tốt hơn. Chạy ngang đường Hoàng Sa, Trường Sa vào buổi sáng sớm, người qua đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tập thể dục hay dắt chó đi dạo tạo nên một khung cảnh rất yên bình.
Hơn 20 năm sống cạnh dòng kênh này, chị Tuyết Anh (Trường Sa, Phường 12, Quận 3) chia sẻ: “ Sau khi dòng kênh được cải tạo, không khí ở đây trong lành hơn. Sáng nào chị cũng ra đây tập thể dục để rèn luyện sức khoẻ. Lúc mà chưa được cải tạo thì không ai dám đi ngang đây đâu vì nó hôi lắm”.
Tuy nhiên, sau 10 năm đổi mới, hiện kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang phải đối mặt với nguy cơ tái ô nhiễm trước những hành động thiếu ý thức của một bộ phận người dân cùng với 50% lượng nước thải vẫn chưa được xử lý triệt để. Dạo một vòng dọc con kênh, không khó để bắt gặp hình ảnh chai nhựa trôi lềnh bềnh trên dòng nước. Những khi nước cạn, nhiều đoạn kênh lại xuất hiện mùi hôi nồng nặc. Số lượng cá thì mỗi ngày thêm sụt giảm, phần vì nguồn nước ngày càng ô nhiễm, phần vì nạn câu cá, đánh bắt trái phép.
“Mặc dù dòng kênh đã cải tạo và đổi mới rất nhiều so với thời nước còn đen ngòm nhưng ý thức người dân thì vẫn vậy. Nhiều người vẫn thản nhiên xả rác, câu cá, phóng uế khiến dòng kênh mất vệ sinh. Những hôm có các bạn tình nguyện viên đến dọn dẹp thì ổn, rồi sau đó lại trở lại như cũ”, chị Tuyết Anh lo ngại phản ánh.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Khát vọng về một dòng kênh du lịch rõ ràng là một điều chính đáng bởi du lịch TP Hồ Chí Minh đang cần lắm một sự đổi mới, bức phá trong thời gian tới. Chia sẻ về du lịch tại TP Hồ Chí Minh, ông Đào Văn Hiệp (Phó Tổng Giám đốc công ty du lịch Viettourist) cho biết: “Hầu như du lịch tại TP Hồ Chí Minh hiện nay chỉ khai thác được những tuyến điểm cũ như Dinh Thống Nhất, Chợ Bến Thành, chùa Ngọc Hoàng. Theo tôi thấy tại đây hiện tại vẫn chưa có điểm mới mẻ phù hợp cho khách nước ngoài vào tham quan hay thậm chí là khách trong nước”.
Đây không chỉ là trăn trở của những người làm du lịch mà còn là khao khát của người dân tại đây. Du lịch phát triển sẽ mang nhiều ngành nghề kinh doanh phát triển theo, người dân sống quanh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng đang mong ngóng từng ngày với sự đổi mới này.
Cô Nguyễn Thị Bé (chủ quán cà phê trên đường Hoàng Sa) chia sẻ: “Cô bán ở đây mấy chục năm, chủ yếu bán cho khách quen chứ khách du lịch thì ít lắm. Hồi kênh này mới cải tạo, có các chương trình biểu diễn thì buôn bán cũng được. Bây giờ nước càng ngày càng ô nhiễm, cũng không ai tổ chức gì nữa nên buôn bán cũng ế ẩm”.
Chúng tôi có dịp đến gặp ông Phan Xuân Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn hiện đang kinh doanh thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Theo ông Xuân Anh chia sẻ, lý do ông chọn dòng kênh này để kinh doanh du lịch vì nó sở hữu vị trí đắc địa và cảnh quan 2 bên bờ vẫn giữ được những nét đơn sơ, mộc mạc rất “Sài Gòn”.
Ông cũng cho biết, khách nước ngoài rất yêu thích cảnh quan xanh mát hai bên bờ. Nó khiến du khách được hoà mình vào thiên nhiên ngay giữa một thành phố hiện đại. Chính vì điều đó mà sau dịch Covid-19, du lịch tại đây cũng nhanh chóng phục hồi: “hầu như tất cả các báo cáo mà khách nước ngoài và trong nước đi về chưa có ai chê cả”.
Khát vọng “sông Seine” giữa lòng TP Hồ Chí Minh
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi được trải nghiệm ngắm cảnh đêm trên con tàu Hòn Ngọc Viễn Đông của ông An Sơn Lâm – CEO Thuyền buồm Đông Dương. Tàu khởi hành từ Cảng Sài Gòn, quận 4 đến cầu Thủ Thiêm. Thuyền chúng tôi đi qua những ngôi nhà cao tầng, những biểu tượng của thành phố như Bitexco hay Landmark, đồng thời cũng đi qua những ngôi nhà rất đơn sơ phía bờ đối diện. Đó là một không gian rất ít ánh đèn với những ngôi nhà nhỏ thưa thớt.
Ông An Sơn Lâm cho biết, đó chính là nét riêng mà chỉ có ở Sài Gòn mới thấy được. “Mặc dù những toà nhà hiện đại liên tục mọc lên nhưng vẫn còn lưu được những nét hoang sơ. Đó là sự hoà quyện giữa cái cũ và cái mới mà hiếm có một dòng sông nào trên thế giới có được”.
Trải qua nhiều thăng trầm trong lĩnh vực khai thác du lịch bến thuỷ, ông Lâm vẫn không ngừng ước mơ mở rộng thêm quy mô kinh doanh để phục vụ nhiều hơn cho khách nước ngoài và cả khách nội địa. Chia sẻ với chúng tôi về những nỗi niềm ấy, ông Lâm không khỏi tiếc nuối vì những giá trị của sông ngòi, kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được khai thác triệt để. Phần vì điều kiện bến bãi chưa đủ; chính quyền không chú trọng quy hoạch, đầu tư cứ để cho tư nhân hoá ; rồi lại nhiều quy định của nhà nước chưa đúng với thực tế khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Cùng chung nỗi niềm đó, ông Xuân Anh chia sẻ, mặc dù có nhiều kinh nghiệm và đầu tư bài bản cho các tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhưng ông vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển mô hình này tại đây. “Những quy định của nhà nước đôi khi quá chặt chẽ, tất nhiên những quy định đó không sai. Nhưng xét theo khía cạnh thực tế thì khó triển khai và chưa phù hợp với tình hình của đất nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay”.
Cũng bày tỏ nhiều tiếc nuối khi nhắc về tiềm năng của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, CEO du lịch Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ chia sẻ: “Vì nhiều lý do du lịch trên sông của chúng ta đang đi lệch so với thế giới. Về mặt kinh doanh không sai nhưng sẽ rất khó hút khách nước ngoài cao cấp, du khách châu Âu họ cần nhẹ nhàng, thưởng ngoạn. Họ thích ăn nhẹ rồi chụp hình, nghe thuyết minh còn người Việt lại chăm chút quá nhiều vào vấn đề ăn uống trên thuyền”.
Nếu Nhà nước và người dân cùng đồng lòng tạo nên một môi trường hoàn thiện cho kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thì tin chắc rằng khát vọng khai thác du lịch tương tự dòng sông “Seine” của Paris sẽ còn không xa.