Cho dù các biện pháp cần thiết đã được áp dụng để ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng thì rồi con virus SARS-CoV-2 cũng đã tìm được khe hở để tấn công. Khe hở đó mang tên “chủ quan”.
Cho tới sáng ngày 30/11, Việt Nam đã qua 88 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng. Trước đó, trong đợt dịch thứ nhất, nước ta cũng đã có được 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, tới chiều tối ngày 30/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện ca nhiễm mới. Lập tức, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm, cách ly 235 người, trong đó có 157 người cách ly tập trung và 72 người cách ly tại nhà, phong tỏa các địa điểm mà 2 bệnh nhân này từng lui tới.
Đó là bệnh nhân 1342 (nam, 28 tuổi, tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines và bệnh nhân 1347, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam, giáo viên tiếng Anh, bạn của bệnh nhân 1342). Hiện cả 2 bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Đáng chú ý, bước đầu xác định bệnh nhân 1347 đã tiếp xúc gần với khoảng 146 người (F1), tiếp xúc xa với 52 người (F2).
Chưa hết, lại có thêm 2 ca Covid-19 mới được phát hiện. Đó là 1 bệnh nhi nam 1 tuổi và 1 học viên của BN 1347.
Như vậy, điều lo lắng cũng đã đến. Cho dù các biện pháp cần thiết đã được áp dụng để ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng thì rồi con virus SARS-CoV-2 cũng đã tìm được khe hở để tấn công. Khe hở đó mang tên “chủ quan”. Ở đây, những bài học cần thiết cần phải được rút ra để kiên quyết bịt tất cả những khe hở dịch bệnh có thể bùng ra.
Thứ nhất, đối với người từng cách ly do nghi khả năng mắc SARS-CoV-2 (bệnh nhân 1342). Cho dù đã từng xét nghiệm cho kết quả âm tính thì cũng rất cần thêm thời gian để khẳng định một cách chắc chắn, vì cũng đã từng có không ít ca xác định âm tính nhưng rồi ở những lần xét nghiệm sau (lần 3,4) lại dương tính. Vì thế, sau khi 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, được về nhà tự cách li thì cũng không thể chủ quan cho rằng đã hoàn toàn khỏi bệnh. Việc bệnh nhân này vẫn tiếp xúc với người khác (cụ thể là người bạn, bệnh nhân 1347) càng cho thấy đó là sự chủ quan rất nguy hiểm.
Thứ hai, đối với người tiếp xúc với người nghi lây nhiễm SARS-CoV-2. Trong trường hợp này là bệnh nhân 1347, đã chủ quan khi cho rằng “mọi sự đã xong”, khi mà bạn mình đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Trong cả hai trường hợp kể trên thì đều do chủ quan mà không tuân thủ những khuyến cáo phòng chống Covid-19 của ngành Y tế. Điều đó không chỉ khiến họ bị mắc bệnh mà còn đẩy hàng trăm con người rơi vào vòng nguy hiểm; khiến hệ thống y tế, chính quyền phải chạy theo để đối phó.
Xin được nhắc lại, sau 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, thì tới ngày 25/7/2020, dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng. Ngay sau đó, nó lây lan ra nhiều địa phương, ảnh hưởng vô cùng lớn tới kinh tế - xã hội khi lại buộc phải áp dụng những biện pháp phòng chống, dập dịch một cách quyết liệt chưa từng có. Nhiều đoàn cán bộ y tế từ Trung ương và một số tỉnh thành đã phải chi viện cho Đà Nẵng. Giãn cách xã hội lại phải áp dụng ở một loạt tỉnh thành. Giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không cũng như việc giao thương lại phải trở lại căng thẳng như đợt đầu chống dịch.
Trở lại với ca lây nhiễm mới tại TP HCM, rồi đây trách nhiệm sẽ được làm rõ, còn thì ngay lập tức, rất quan trọng hơn là phải cảnh báo cho tất cả các địa phương trong cả nước; phải tiến hành truy vết, xét nghiệm trên diện rộng; tiến hành cách li ngay đối với những đối tượng được xác định là F1,F2. Bài học thành công của suốt quãng đường dài chống dịch Covid-19 ở nước ta (tính từ đầu năm 2020) chính là đã khẩn trương áp dụng những biện pháp cứng rắn, với tinh thần chống dịch như chống giặc, trên dưới đồng lòng chống dịch. Trong đó, quan trọng bậc nhất phải là sự tự giác chấp hành, nghiêm túc chấp hành của từng cá nhân. Nói như đại diện WHO thì “ý thức của người dân mới là liều vaccine thực sự để chống Covid-19”.
Việc xuất hiện ca lây nhiễm mới tại TP HCM, cũng là lúc châu Á, mà gần Việt Nam hơn là các nước Đông Nam Á đang phải đối diện với đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Sát nước ta là Campuchia, Thái Lan, tình hình rất căng thẳng. Trong khối ASEAN, quốc gia nào cũng đã đều phải áp dụng những biện pháp cứng rắn để chống dịch. Trong tình thế đó, chủ trương “chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong” lại càng phải được áp dụng triệt để.
Và lúc này, việc thực hiện “thông điệp 5K” của Bộ Y tế lại càng cần thiết. Đó là:
-Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
-Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
-Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
-Không tụ tập đông người.
-Khai báo y tế.
Thời gian qua, đáng tiếc là tại nhiều địa phương đã xuất hiện sự chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng. Nhiều người đã quên mất rằng chúng ta không thể bình yên khi thế giới, nhất là châu Á, ASEAN rất gần với ta dịch bệnh vẫn hoành hành. Vì thế, với ca lây nhiễm mới tại TP HCM, một lần nữa hồi chuông cảnh báo lại cần phải được gióng lên: Không bao giờ được chủ quan!