“Tôi đề nghị nếu trong năm 2016 mình khen thưởng 10 lãnh đạo thì cũng cần lựa chọn để khen thưởng thêm 10 người lao động trực tiếp. Mà đã khen thưởng công nhân, nông dân thì phải bỏ bớt các thủ tục, quy trình đi các đồng chí ạ”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Hà: “Với nông dân, công nhân sáng đề nghị chiều đã có thể khen thưởng!”.
Hôm nay, 25/3, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, cán bộ Ban thi đua-khen thưởng 9 tỉnh thuộc Cụm thi đua khu vực Đồng bằng sông Hồng cùng về Nam Định tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2015 của Cụm, ký giao ước thi đua năm 2016…
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho rằng cần phải đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, trong đó cần chú trọng cũng như phải đổi mới việc khen thưởng đối với các đối tượng là nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp…; thực hiện đổi mới, đơn giản hóa, bỏ bớt các thủ tục, quy trình khen thưởng đối với các đối tượng này để việc khen thưởng đảm bảo được kịp thời.
“Thưa các đồng chí! Lãnh đạo cũng cần được khen thưởng nhưng nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp cũng rất cần được động viên, khuyến khích. Tôi đề nghị nếu trong năm 2016 mình khen thưởng 10 lãnh đạo thì cũng cần lựa chọn để khen thưởng thêm 10 người lao động trực tiếp. Mà đã khen thưởng công nhân, nông dân thì phải bỏ bớt các thủ tục, quy trình đi các đồng chí ạ. Đừng theo quy trình khen thưởng từ thấp đến cao. Vì người lao động họ làm việc không phải để khen thưởng, thậm chí họ còn không biết viết báo cáo. Khi đó cán bộ thi đua-khen thưởng phải hỗ trợ, giúp đỡ họ”, bà Hà chỉ dẫn cụ thể.
Hôm nay, đại diện 9 tỉnh thuộc Cụm thi đua khu vực
Đồng bằng sông Hồng dự tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2015 của Cụm tại Nam Định.
Và lưu ý: “Một nông dân chưa được khen thưởng cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng nếu họ có thành tích xuất sắc thì vẫn có thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là được thưởng Huân, Huy chương”.
“Nếu khen thưởng cho những người có chức vụ, lãnh đạo thì phải tích kê đầy đủ số điểm. Nhưng nếu là công nhân, nông dân thì có bỏ bớt các thủ tục, quy trình để sáng đề nghị chiều đã có thể khen thưởng ngay”, bà Hà gợi ý thêm.
Để có “nguồn” khen thưởng, bà mách: “Ví dụ như tỉnh Nam Định có hơn 200 xã, thị trấn. Mỗi xã chỉ cần giao cho Hội nông dân xã mỗi năm lựa chọn được một hội viên nông dân tiêu biểu để đề nghị khen thưởng thì một năm cả tỉnh đã có hơn 200 nông dân được khen thưởng. Tương tự như vậy là với các đoàn thể, với các lĩnh vực khác”.
Trước đó, đại diện 9 tỉnh tham dự hội nghị nhìn nhận: bên cạnh những mặt tích cực, những kết quả đã đạt được: công tác thi đua, khen thưởng của các tỉnh thuộc Cụm thi đua khu vực Đồng bằng sông Hồng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Công tác tham mưu, chỉ đạo gắn kết giữa thi đua với khen thưởng có lúc, có nơi chưa thường xuyên; kết quả thi đua xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa tương xứng với tiềm năng.
…Và ký giao ước thi đua năm 2016.
Công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua có nơi làm chưa tốt, nặng về khen thưởng, chưa gắn kết giữa thi đua và khen thưởng; việc bình xét, khen thưởng đối với người nông dân, công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất, người có thành tích đột xuất có lúc chưa được chú trọng, làm giảm tính hiệu quả của thi đua yêu nước.
Công tác xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức; một số gương điển hình tiên tiến chưa được tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi.
Công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá về hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng còn chưa thường xuyên.
Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở một số địa phương cũng được cho là chưa được quan tâm đúng mức, chưa ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao…
Trần Duy Hưng