Khèn bè của người Thái

Trần Vân San 09/11/2017 08:45

Vừa qua, Hội Xác lập kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định công nhận chiếc Khèn Thái của Thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đạt kỷ lục Việt Nam. Đây là niềm vui chung của cộng đồng người Thái, khi nhạc cụ tiêu biểu gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào Thái nói chung và người Thái - Nghĩa Lộ nói riêng được ghi danh.

Chiếc khèn Thái vừa được trao kỷ lục Việt Nam.

1. Chiếc khèn bè vừa được trao bằng kỷ lục có kích thước dài 5,2 mét, được tạo bởi 14 ống nứa khổng lồ kết lại với nhau xuyên qua một bầu gỗ. Chiếc khèn kỷ lục được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Để hoàn thành chiếc khèn này, các nghệ nhân dân tộc Thái Nghĩa Lộ đã mất gần 1 năm.

Điều thú vị nhất của chiếc khèn bè lớn nhất này không phải là cây khèn “mô hình”, mà có thể thổi như chiếc khèn bình thường. Theo bà Hoàng Thị Vân- Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghĩa Lộ, sau khi chiếc khèn được hoàn thành, chúng tôi đã gửi xuống Hà Nội để hấp sấy chống mối mọt. Sau đó, cây khèn được trưng bày để du khách gần xa có thể đến chụp hình lưu niệm và thử thổi cùng các nghệ nhân.

Trong quyết định công nhận kỷ lục cho chiếc khèn Thái lớn nhất Việt Nam có viết: Kể từ thời điểm đêm 23-9-2017, chiếc Khèn vừa được công nhận kỷ lục guinness là tài sản thuộc về nhân dân thị xã Nghĩa Lộ. Chính quyền và người dân có trách nhiệm bảo tồn lưu giữ và phát triển giá trị của nó trong các hoạt động văn hóa của địa phương.

Nghệ nhân Lò Văn Biến (bên phải) cùng các nghệ nhân nghiên cứu chế tác khèn bè.

2. Khèn là loại nhạc cụ dân gian được người Thái sử dụng để đệm cho người hát các bài dân ca trong những ngày lễ truyền thống, hoặc làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái trong những ngày vui, những dịp trọng đại. Chiếc khèn của người Thái có nhiều khác biệt với những cây khèn của các dân tộc sống trên non cao Tây Bắc.

Người Thái có câu:

“Tiếng khèn làm đẹp bản Mường
Như nắng dệt gấm trên quê hương
Như núi lam xanh sương đêm vừa gội
Như suối hát tình ca
Như tiếng người yêu gọi...”.

Xưa, người Thái cổ ở Mường Lò đã quan niệm rằng: con trai Thái muốn lấy vợ đẹp, thông minh thì phải biết thổi khèn bè. Âm thanh của khèn như tiếng đồng vọng của núi rừng, sông suối hòa cùng với nhịp sống của người dân bản làng. Khi chiếc khèn có mặt trong đời sống cộng đồng, nó không chỉ là nhạc cụ đơn thuần mà còn là linh hồn, là sản phẩm văn hóa sở hữu chung của đồng bào nơi đây.

Khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái. Tiếng khèn bè cất lên lúc da diết, sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát.

Ngày nay, việc chế tác khèn bè vẫn được nhiều nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối một cách chu đáo để cho có âm thanh chuẩn nhất.

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, để chế tác được một chiếc khèn bè phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo và cầu kỳ trong khi làm cũng như sự tinh tường trong thẩm âm. Với 14 ống nứa tép được ghép lại thành từng đôi trên một bầu bằng gỗ, được gắn kín bằng sáp ong, nghệ nhân phải dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí thích hợp. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại. Bởi vậy khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái.

Làm khèn đã khó, nhưng thổi khèn cũng là nghệ thuật. Vì vậy, các thế hệ người Thái từ đời này qua đời khác đã truyền nhau cách thổi khèn bè. Tiếng khèn da diết, sâu lắng lại thanh tao làm thổn thức bao trái tim yêu đương, đây còn là biểu tượng gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết của những người con bản Thái trong chinh phục thiên nhiên, nuôi dưỡng tâm hồn và bản sắc văn hóa của dân tộc. Chiếc khèn bè đơn sơ, mộc mạc mà ngân vang đưa đẩy những điệu xòe, điệu khắp, mang đến niềm vui ấm áp chan hòa, thể hiện giấc mơ về cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

3. Nứa để làm khèn bè phải là nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Lớp sáp ong này cần bịt kín để tạo ra âm thanh cho khèn. Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với 5 cung và 1 quãng 8, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại.

Bởi vậy, khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu. Điều đặc biệt là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: lả - lá, 2 nốt rế, 2 nốt son, đồ - đố, phà - phá, mà các nghệ nhân gọi là pò mè - tức là bố mẹ. Đó cũng là triết lý âm - dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.

Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân. Nó là sản phẩm minh chứng cho sự phát triển trong lĩnh vực âm nhạc, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo, riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái ở Mường Lò.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khèn bè của người Thái