Chiều 10/10, “mùa Nobel 2022” chính thức khép lại với giải Nobel Kinh tế. Trước đó, bắt đầu từ ngày 3/10, tại Stockholm (Thụy Điển), Giải Nobel Y học đã xướng tên nhà khoa học Svante Paabo, người được giới khoa học di truyền đặt cho biệt danh “thợ săn gene người cổ đại”.
Trước Nobel Kinh tế, 5 giải Nobel mùa giải 2022 đã được trao (từ ngày 3 đến ngày 7/10), bao gồm: Nobel Y học thuộc về Svante Paabo (nhà khoa học Thụy Điển) “phát hiện mang tính bước ngoặt” về một nhánh của loài người đã tuyệt chủng; từ đó góp phần làm thay đổi lĩnh vực nghiên cứu về nguồn gốc loài người, “giúp chúng ta biết được những yếu tố giúp loài người trở nên khác biệt như ngày nay” - theo đại diện Ủy ban Nobel.
Tính đến nay, 113 giải Nobel đã được trao cho 225 người trong lĩnh vực Y học, bao gồm 213 nhà khoa học nam và 12 nữ.
Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học là Alain Aspect (Pháp); John F.Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo). Họ được vinh danh vì "các thí nghiệm với các photon vướng mắc đã chứng minh sự vi phạm bất đẳng thức Bell và mở đường cho khoa học thông tin lượng tử".
Giải Nobel Vật lý đầu tiên (năm 1901) được trao cho nhà vật lý Wilhelm Rontgen (người Đức) vì phát hiện ra tia X. Trong những tên tuổi nổi tiếng khác từng giành giải này bao gồm Marie Curie (năm 1903), Albert Einstein (năm 1921), Niels Bohr (năm 1922).
Nobel Hóa học thuộc về 3 nhà khoa học là Carolyn R.Bertozzi (Mỹ); Morten Meldal (Đan Mạch) và K.Barry Sharpless (Mỹ) với nghiên cứu phản ứng hóa học click và phản ứng hóa học sinh trực giao, được sử dụng trong phát triển dược phẩm và lập bản đồ ADN. Chủ tịch Hội đồng Nobel Hóa học Johan Aqvist cho biết, giải Nobel Hóa học 2022 nhờ phương pháp nghiên cứu giúp vấn đề trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Những phân tử hữu dụng có thể được xây dựng theo cách thức trực tiếp hơn.
Trong số 3 người được giải lần này, ông Barry Sharpless là nhà khoa học lần thứ 2 đoạt giải Nobel Hóa học. Còn với nhà khoa học Carolyn R.Bertozzi, bà đã trở thành người phụ nữ thứ 8 được giải Nobel Hóa học, kể từ khi giải này được trao vào năm 1901, với tổng số 188 người được vinh danh. Xét về quốc tịch, Mỹ có nhiều nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học nhất, 80 người. Xếp sau là Đức và Anh cùng 33 người.
Nobel Văn học 2022 thuộc về nữ văn sĩ người Pháp 82 tuổi - bà Annie Ernaux, cùng với nhận xét của Hội đồng xét giải: “Bà Annie Ernaux đã chứng tỏ lòng dũng cảm và sự nhạy bén khi khám phá gốc rễ, sự bất hòa và những hạn chế của ký ức cá nhân". Nobel Văn học 2022 được coi là bất ngờ của mùa giải, vì trước đó văn giới quốc tế cho rằng nó sẽ thuộc về Salman Rushdie, người Anh gốc Ấn Độ - tác giả từng đoạt giải Booker với cuốn "Những đứa con của nửa đêm". Salman Rushdie còn rất nổi tiếng khi đã phải sống cùng sự săn lùng kể từ năm 1989, khi được cho là miêu tả về Nhà tiên tri Muhammad trong tác phẩm “Những vần thơ của quỷ Satan”.
Giải Nobel Văn học đã được trao 114 lần từ năm 1901 đến nay cho 119 người, bao gồm 101 nhà văn nam và 18 nhà văn nữ. Khác với các giải Nobel khoa học thường được trao cho 2 hoặc 3 người mỗi năm, chỉ có 4 lần Nobel Văn học được trao cho 2 người.
Đáng chú ý, có 2 người từng từ chối nhận giải Nobel Văn học danh giá này là Boris Pasternak (năm 1958, người Nga) và Jean Paul Sartre (năm 1964, người Pháp).
Người đoạt giải Nobel Văn học trẻ nhất là Rudyard Kipling, người Anh. Ông được trao giải năm 1907, khi 41 tuổi. Người lớn tuổi nhất được Nobel Văn học là bà Doris Lessing, được trao giải vào năm 2007, khi 88 tuổi. Bà Doris Lessing sinh ra tại Iran, từng sinh sống ở Zimbabwe, thành công trong sự nghiệp văn chương ở Anh.
Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất mùa Nobel năm nay là Nobel Hòa bình khi trao cho 1 cá nhân và 2 tổ chức, là: Ales Bialiatski (Belarus); tổ chức nhân quyền Memorial (Nga) và tổ chức nhân quyền Trung tâm Tự do dân sự (Ukraine). Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình thuộc về 2 nhà báo: Maria Ressa (người Mỹ gốc Philippines) và Dmitry Muratov (người Nga) vì những đóng góp nhằm xây dựng nền dân chủ và hòa bình lâu dài.
Mùa giải Nobel 2022 đã khép lại, cũng như nhiều mùa giải trước đó có nhiều ý kiến khác nhau và cũng có người vui người buồn. Nói như Maline Cofrina, nhà báo đã quan sát hơn 20 mùa Nobel nếu như Nobel sống lại thì không hiểu ông có hài lòng hay không.
Alfred Bernhard Nobel (1833-1896) là nhà hóa học, nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí, người phát minh ra thuốc nổ và là một triệu phú người Thụy Điển. Ông đã dùng hầu như toàn bộ tài sản của mình để lập ra Giải thưởng Nobel (4.223.500,00 USD bằng 94% tài sản của ông lúc bấy giờ).
Theo di chúc của Alfred Nobel (ngày 27/11/1895), phần lớn giải thưởng sẽ dành cho “những người, trong năm trước, đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Giải thưởng này ban đầu được trao cho 5 lĩnh vực: Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình. Cho đến năm 1968, Ngân hàng trung ương Thụy Điển lập thêm giải Nobel Kinh tế và sang năm sau, năm 1969, Nobel Kinh tế đầu tiên được trao cho Jan Tinbergen (người Hà Lan) và Ragnar Frisch (người na Uy).
Như vậy tới nay có tất cả 6 giải thưởng Nobel ở các lĩnh vực khác nhau.
Alfred Nobel qua đời sau một cơn đột quỵ, ngày 10/12/1896 tại Sanremo, Italy. Thọ 63 tuổi.
Chiều tối ngày 10/10 (giờ Việt Nam), Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải thưởng Nobel Kinh tế cho 3 nhà khoa Mỹ vì kết quả “nghiên cứu các cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng”. Gồm TS Ben S.Bernanke (SN 1953, hiện làm việc tại Viện Brookings ở Washington DC); TS Douglas W.Diamond (SN 1953, hiện công tác tại ĐH Chicago); TS Philip H.Dybvig (SN 1955, hiện công tác tại ĐH Washington). Theo Ban tổ chức, nền tảng của nghiên cứu này có ý nghĩa thực tế lớn trong điều hành các thị trường tài chính và ứng phó với khủng hoảng tài chính.