Sau tác phẩm “Đáy giếng”, chừng như để xả hơi ở quãng giữa “hai hiệp của tiểu thuyết” (chữ của Milan Kundera), nhà văn Phạm Thị Bích Thủy đã trở lại với thể loại truyện ngắn bằng một tập gồm mười một truyện, mang tên “Zero” (NXB Trẻ, 2017). Một tập truyện ngắn lạ trên mặt bằng truyện ngắn Việt Nam bây giờ, nếu nhìn từ giác độ nhân vật: thế giới nhân vật của “Zero” gần như… zero về con người, thay vào đó, các vật (đồ vật, loài vật) lên tiếng, và lên tiếng về những vấn đề đang là thời sự trong đời
Kiểu lựa chọn xây dựng thế giới nhân vật như vậy, quả thật, dễ khiến tập truyện ngắn của Phạm Thị Bích Thủy mang dáng dấp của một tập truyện “ngụ ngôn đương đại cho người lớn”. Nhà văn mượn vật để kể chuyện người, người của cái thời hiện tại tiếp diễn được định danh bằng mấy chữ… quen quen: kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhà văn đủ tỉnh táo để không tự mình đóng vai thầy đời, chị chỉ kể “chuyện đời như tôi thấy”, theo cách riêng của mình mà thôi.
Nhưng đó là “cái thấy” khá đặc biệt. Nó sắc lạnh đến độ có thể, qua lời thoại của các vật cũng như qua mối tương quan giữa các vật, soi rọi những thói tật đã trở thành trầm kha, những hiện tượng nghịch chiều đã trở thành phổ biến trong xã hội con người ở đây, lúc này: sính ngoại, ưa hình thức, chênh lệch kẻ giàu người nghèo (Zero), làm việc cẩu thả vô trách nhiệm, làm cho có và không hề quan tâm đến hiệu quả công việc (Hão), dày ăn mỏng làm, mơ đổi đời chỉ nhờ vào vận may (Xổ số kiểu Mỹ), vô nguyên tắc, bạt mạng, sống như thể không biết chết là gì (Pét pét), dốt nát, hủ lậu, nhưng rất giỏi tắt mắt trộm vặt (Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương) v.v… Mặt khác, “cái thấy” của Phạm Thị Bích Thủy lại đầy tinh thần hài hước, đủ khiến không tạo ra cảm giác bi kịch, cho dẫu hầu hết các kết cục trong tập truyện này đều là đổ vỡ, mất mát, bị hủy diệt. (Không những không bi kịch, đó thậm chí còn là sự thản nhiên chấp nhận kết cục như nó ắt phải vậy, không có gì lạ: C’est la vie. Đời là thế! Những truyện có kết cấu “lỏng” như “Bù nhìn”, “Lãng xẹt”, “Hoa cải lên trời” là những truyện thấm đậm cảm giác này).
Tinh thần hài hước, có thể nói, là chủ âm của tập truyện ngắn “Zero”. Nó thể hiện ở việc tác giả “người hóa” các vật theo những tình huống truyện… không giống ai, nhưng rất sinh động. Nó cũng thể hiện ở ngôn ngữ nói năng, đối thoại mà nhà văn gắn vào các nhân vật (vật) của mình: một thứ ngôn ngữ thuộc phong cách thấp, giàu chất khẩu ngữ, tung tóe bung ra, đậm vị vỉa hè phường phố lê la bụi bặm. Những vỏ chai sữa, vỏ lon bia, thằng bù nhìn rơm, chiếc thìa, chiếc nĩa, cái còi xe, cái chân chống, quả dưa lê, cây hoa cải, rồi con chó, con mèo, con chuột… ấy, trong tập truyện ngắn của Phạm Thị Bích Thủy, đã hợp thành một thế giới các vật tồn tại vui nhộn và lắm lời trên bề mặt của thế giới con người, vừa bổ sung, lại vừa cắt nghĩa cho những cắc cớ trớ trêu đang vận hành trong đời sống xã hội người.
Ở một phương diện nào đấy, tập truyện ngắn “Zero” thuộc về cái tạm gọi là diễn ngôn “hội nhập quốc tế”. Nhiều nhân vật là đồ vật “ngoại lai” có nguồn gốc Âu Mỹ đã xuất hiện ở đây và khiến cho các nhân vật là đồ vật “bản địa” phải sinh niềm ngưỡng mộ, kính nể, thèm khát được bằng hoặc thèm khát được sở hữu. Ví như ở truyện “Zero”, lon bia Hà Lan là một “anh chàng Heineken đầu đội chiếc mũ xanh bóng lộn có ngôi sao đỏ kiêu hãnh”; chai sữa gạo Zero Hàn Quốc là “một cô nàng dáng thắt đáy lưng ong, nước da trắng sáng”, “nói năng giọng nhẹ lưu loát”. Đôi tiên đồng ngọc nữ ngoại quốc này xuất hiện trong cái thùng rác chật chội tối tăm, chúng bừng sáng, tự nhiên tỏa sức hấp dẫn. Nhưng cùng lúc chúng cũng biến tất cả lũ đồ vật còn lại – những “cư dân bản xứ” – thành rác rưởi đúng nghĩa, như trong tiếng lầm bầm của chị công nhân môi trường: “Trăm thứ bà rằn! Toàn đồ giẻ rách! Rác cũng xấu! Chai lọ toàn đồ bợm nhậu!”. Hay như ở truyện “Xổ số kiểu Mỹ”, trong những bộ óc ham chơi lười làm giàu tưởng bở của con chó May và con mèo Mắn thì quần bò áo phông, xe máy SH, kính đen, vòng vàng và điện thoại smartphone đã kịp định hình như những vật không thể thiếu để làm nên diện mạo của kẻ giàu có, sành sỏi.
Đặc biệt ở truyện “Hoa cải lên trời”, không thể “thời sự” hơn được nữa khi tác giả đã cho tất thảy cây hoa của cả cánh đồng phải nháo nhác xớn xác trước những cái “gậy tự sướng” (phụ kiện hỗ trợ tính năng chụp ảnh của điện thoại thông minh), trước cơ hội được lọt vào khuôn hình cùng các nam thanh nữ tú, được lan tỏa hình ảnh trên “phây” (facebook), trên “ô-túp” (youtube), được nổi tiếng. Có thể nói, thế giới các vật trong tập truyện ngắn “Zero” đã chịu sự lây nhiễm từ thế giới con người, trước hết và quan trọng nhất, chính ở sự vồ vập cái mới, cái hiện đại được du nhập từ nước ngoài. Có thể có sự lạ lẫm nhất định từ phía chủ thể tiếp nhận những cái mới, những cái hiện đại ngoại lai này, nhưng tuyệt không hề có sự dè bỉu, kỳ thị, tẩy chay. Phải chăng, không gì khác, đây chính là tinh thần cốt lõi của thời đại “chủ động hội nhập”, mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế mà chúng ta đang sống, đang nghiệm sinh từng ngày?
Nhưng mọi chuyện không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái. Những đồ vật ngoại lai kia, dù được bao bọc bởi thứ ánh sáng đầy quyến rũ mang thông điệp của nền văn minh sản sinh ra chúng, vẫn có thể bị lạc bước, bị xuống cấp, thành ra “ngang phân” và bị “tha hóa” vào cái nếp ăn xó mó niêu như những đồ vật bản địa nọ. Truyện “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” – mượn tên một hồi ký của nhà văn Ma Văn Kháng – đã chứng minh một cách rất sinh động cho luận đề “Phủ định cái gì sẽ bị cái đấy quy định, ràng buộc” của triết gia Spinoza. Nĩa Zicome và thìa Ikea từ nước ngoài vào, mang cao vọng Paul Doumer “truyền bá một thứ văn hóa mới tới đây cho người bản địa”. Chưa truyền chưa bá được gì thì chúng đã bị gã công nhân địa phương quen nghề ăn cắp vặt mang biến về nhà, để rồi vài năm sau, nĩa thì dùng vào việc xới đất, thìa thì chỉ để làm vật tưới phân trồng rau. Thế nhưng, như những anh hùng văn hóa đích thực, nĩa và thìa không gục ngã, chúng vẫn thích nghi được và vẫn tìm thấy giá trị của mình trong hoàn cảnh lạ. Nĩa Zicome: “Ừ thì nĩa là để giữ thức ăn nhưng các bạn có thấy không, ở đây trên những cánh đồng xứ này người nông dân người ta cũng có những thứ giống y chang chiếc nĩa đấy thôi.
Theo tôi biết, cái đấy họ gọi là những chiếc bừa chiếc cào. Lao động là vinh quang, tôi giờ đã quen. Tôi thấy mình đã và đang làm việc của một chiếc cào mini đấy. Tôi thấy hạnh phúc!”. Thìa Ikea: “Những quãng thời gian đặc biệt này, khi chúng ta lưu lạc nơi xứ người với mục đích cao cả đi khai sáng vùng đất này, những tháng năm này ta phải ghi lại, sẽ là những nỗ lực vô giá trong hành trình làm cho cuộc sống nơi đây tốt đẹp hơn. Các bạn yêu quý của tôi ơi, các bạn đồng ý với tôi nhé, chúng ta sẽ viết một cuốn hồi ký để cho hậu thế biết về cuộc sống hôm nay của chúng ta ở trên mảnh đất này”...
Tâm sự cảm động thống thiết của những dĩa Zicome và thìa Ikea ở cuối truyện “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” phản ánh một triết lý sống, một cách thế tồn tại đáng để người đọc phải suy ngẫm nhiều hơn nữa về cuộc sống giữa dòng hội nhập quốc tế đang diễn ra trên đất này, vào lúc này. Tuy nhiên, không nên quên rằng đây là tâm sự của những nhân vật (vật) từ “bên ngoài”, những kẻ đại diện cho một “văn hóa khác”, những kẻ ý thức được sứ mệnh và tầm cao “khai hóa” của mình, những kẻ đang chấp nhận tự cắt xén bản thân để cho vừa với khuôn khổ thấp bé của thực tại. Một diễn ngôn mang màu sắc thực dân chăng? Dù thế nào thì nó cũng mang thông điệp: hãy sống sao cho có ích nhất trong khả năng có thể.
Trên ý nghĩa ấy, truyện “Hết đát” – truyện ngắn vốn không nằm trong bản thảo ban đầu – kể về cuộc chiến chống hết “date” của cô bé bánh bông lan Salsa và cậu kẹo Chocolate Suri còn mang thông điệp mạnh mẽ hơn nữa: hãy sống sao cho có ích nhất, dẫu có thể phải dùng đến cái chết để trả giá vì điều đó. Đây là trối trăng của bánh bông lan Salsa với kẹo chocolate Suri: “Cậu còn đát dài. Cậu sẽ được ăn! Cậu nhớ nhé, đừng để cho mình bị hết đát nữa đấy! Nhớ để người ta ăn cậu cho ngon. Là bánh kẹo thì phải được ăn!”. Là gì, nếu đó không phải lời kêu gọi tuẫn tiết để khẳng định giá trị bản thân?
Là gì, cả tập truyện, nếu đó không phải năng lực thính nhạy và sức tưởng tượng tràn bờ của nhà văn khi nghe thấy thế giới các vật cất lên tiếng nói?