Khi cán bộ Mặt trận tham gia giải phóng mặt bằng các siêu dự án - Bài 1: Lăn lộn với đại công trường

HẠNH NGUYÊN - HÀ VY - ĐẶNG SƠN 17/12/2022 07:00

Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm quốc gia như đường dây 500KV, cao tốc Bắc - Nam, Formosa... đều có sự góp sức của cán bộ Mặt trận các cấp ở Hà Tĩnh. Đối mặt với nhiệm vụ gai góc, phức tạp nhưng những người cán bộ Mặt trận luôn có cách hóa giải linh hoạt, hiệu quả.

Đại công trường Formosa hôm nay.
“Ông Mặt trận” Dương Xuân Liệu.

Nhắc đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án FDI lớn nhất Đông Nam Á - Formosa Hà Tĩnh - dẫu trải qua 15 năm nhưng cán bộ Mặt trận ở thị xã Kỳ Anh vẫn giữ nguyên cảm xúc khi đó: “Áp lực khủng khiếp!”. Thế nhưng dù áp lực hay vất vả đến mấy, cán bộ Mặt trận đều vượt qua.

Đi vận động đến mòn cả dép

Gần 15 năm trôi qua kể từ ngày cả hệ thống chính trị ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh cùng “chạy đua” với tiến độ GPMB nhường đất cho cho Dự án trọng điểm quốc gia Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (của Công ty TNHH Hưng nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh). Để có một thị xã vươn mình đổi thay như hiện nay, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phải đánh đổi nhiều sức lực, trí tuệ.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Lợi Võ Xuân Thành (ngoài cùng bên phải) đến từng hộ dân để vận động nhận đền bù, giải phóng mặt bằng.

Để tạo sự đồng thuận của người dân, nhường đất cho dự án, cả hệ thống chính trị ở địa phương này phải gồng mình, căng sức tuyên truyền, vận động. Không kể ngày hay đêm, không kể ngày thường hay ngày nghỉ. GPMB cho dự án trọng điểm quốc gia này được ví như một “cuộc cách mạng” ở Hà Tĩnh. Trong cuộc cách mạng đó, cán bộ Mặt trận các cấp ở địa phương đóng góp một phần không nhỏ.

Ông Dương Xuân Liệu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Kỳ Thịnh vẫn nhớ như in những ngày tháng ông lăn lộn với dân để tuyên truyền, vận động người dân nhận đền bù, thực hiện GPMB dự án của Formosa. Thời điểm đó, ông Liệu đang là Trưởng thôn, thành viên Ban Công tác Mặt trận thôn Tây Yên, xã Kỳ Thịnh (huyện Kỳ Anh). Xã này có dân số đông, địa hình rộng, phức tạp, chỉ riêng thôn Tây Yên đã hơn 700 hộ dân.

Đất đai ở xã Kỳ Thịnh lại có đặc thù, rất khó vận động GPMB. Giai đoạn 1996-1997, huyện Kỳ Anh (khi đó chưa chia tách huyện) lấy xã Kỳ Thịnh làm điểm về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đang làm dở thì phải dừng lại do xã nằm trong quy hoạch dự án của Formosa.

Đất của người dân Tây Yên do cha ông để lại và họ sinh sống lâu năm nhưng không có giấy tờ để chứng minh chủ sở hữu và không phân chia ra đất ở, đất nông nghiệp… vì thế dân không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ. Tiền hỗ trợ theo quy định không đáng bao nhiêu nên việc tuyên truyền, vận động người dân rất khó khăn.

“Thời điểm đó, chúng tôi vận động vất vả lắm, nói cho dân hiểu, dân thấu là cả vấn đề. Nhiều hộ ban ngày đi làm, nên chúng tôi phải tranh thủ đến vận động vào ban đêm. Có những hộ đi biển mấy ngày mới về một lần, có khi họ về một chút lại đi nên gặp được rất khó, đi cho mòn cả dép mà vẫn không được việc” - ông Liệu kể.

Theo ông Liệu, với người dân ở đây không thể dùng văn bản hành chính để vận động mà phải “có bài”. Những người “vác tù và hàng tổng” như ông Liệu nhiều khi phải bỏ công sức ra hỗ trợ người dân di dời nhà cửa, tài sản. “Có nhà, chúng tôi đến nhiều họ còn không tiếp. Khi đó, tôi phải bình tĩnh, hạ giọng, đổi chủ đề… thậm chí, mời họ uống rượu tâm tình, bàn bạc. Tôi không nhớ nổi là mình đã chở bao nhiêu người đi ký nhận đền bù và cũng không nhớ được là mình đã xắn tay vào vận chuyển đồ đạc với bao nhiêu hộ dân đến khu tái định cư nữa” - ông Liệu nói.

Ông Liệu, dáng người nhỏ nhắn, hao gầy nhưng khi làm dân vận, người đàn ông ấy toát lên sự cương quyết, kiên định, bản lĩnh, đặc biệt lòng nhiệt huyết với “nghề Mặt trận” của ông thì hiếm có. Ông Liệu không nhớ trong cuộc đời làm Mặt trận của mình đã tham gia vận động GPMB bao nhiêu dự án. Ông chỉ nhớ hơn 20 năm làm Mặt trận, năm nào cũng có dự án triển khai trên địa bàn. Mỗi khi vận động GPMB, người “vác tù và” đều này lên kế hoạch cụ thể để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Vẫn còn những hộ dân ở xã Kỳ Lợi chưa chấp thuận di dời khiến cán bộ Mặt trận hết sức trăn trở.

Trăn trở với dân

Trải qua gần chục năm làm “nghề Mặt trận”, ông Võ Xuân Thành - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) nhớ nhất là đại công trường Formosa. Kỳ Lợi là xã phải di dời 100% hộ dân để nhường đất cho các dự án “khủng” và đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với địa phương.

“Đối với dự án Formosa, Kỳ Lợi có tới 1.238 hộ phải di dời, nhưng có 150 hộ dân chưa chấp thuận đền bù. Tôi cứ trăn trở mãi với những hộ này. Các hộ khác đã ổn định cuộc sống ở các khu tái định cư còn 150 hộ vẫn bám trụ ở dưới đó. Hạ tầng không được đầu tư xây dựng. Dân sống dưới đó chịu thiệt thòi lắm. Giờ cơ chế chính sách thay đổi nên muốn di dời tái định cư cũng khó, phải có quyết sách mới của tỉnh” - ông Thành trăn trở.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Để vận động người dân nhận đền bù GPMB, ông Thành cũng như cán bộ Mặt trận cơ sở phải vận dụng mưu, trí và cả uy tín, danh dự của bản thân. Ông Thành có nhiều năm đi biển nên có uy tín với hội thuyền, hội ngư trong xã. Khi tuyên truyền, vận động nhân dân nhận đền bù dự án Formosa, ông đã phải rất khéo léo, khi nói tình, lúc nói lý.

Ông cùng đội tuyên truyền của mình đến từng nhà, vận động từng người, với sự kiên trì, bền bỉ và nhiệt huyết vì dân, đội tuyên truyền từng bước ghi nhận từ chỗ một hộ đến hàng nghìn hộ chấp thuận. “Khi vận động được một vài hộ, anh em phát huy tinh thần, cuối cùng tạo thành một phong trào” - ông Thành phấn khởi kể.

Theo ông Võ Xuân Thành, tuyên truyền, vận động đền bù GPMB là nhiệm vụ khó nhất của người làm Mặt trận vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi lớn nhất của người dân - đất đai. Tuyên truyền mảng này không thể nói suông mà cán bộ Mặt trận phải nắm được chính xác cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, tài sản, các quyết định của cấp có thẩm quyền.

“Đi tuyên truyền, vận động, trên người chúng tôi khi nào cũng có các văn bản, hồ sơ đền bù liên quan để cung cấp cho dân, nói cho dân hiểu. Chính sách đền bù không thể nói hay được, chỉ cần sai một ly là đi một dặm” - ông Thành nói.

Hai năm bền bỉ tuyên truyền, vận động, GPMB cho dự án Formosa, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị, di dời gần 2.500 hộ với hơn 10.000 người, gần 10.000 ngôi mộ, 35 nhà thờ thiên chúa giáo và nhà thờ họ cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội của 4 xã: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ lợi và Kỳ Phương thuộc huyện Kỳ Anh, nay là thị xã Kỳ Anh, đến 5 khu tái định cư. Đồng thời, GPMB sạch 3.300 ha (trong đó hơn 1.300 ha mặt nước và hơn 1.900 ha đất) bàn giao cho nhà đầu tư. Người dân di dời được đền bù, hỗ trợ tái định cư hơn 1.900 tỷ đồng và được hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi cán bộ Mặt trận tham gia giải phóng mặt bằng các siêu dự án - Bài 1: Lăn lộn với đại công trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO